Quan tâm thực hiện tốt chính sách hỗ trợ về đất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở khu vực khó khăn

Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ đất ở và kinh phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2019 - 2022 theo Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 18/7/2018 (Nghị quyết 10).

 Trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi Cam Lộ - Ảnh: PV

Trồng cây ăn quả trên vùng gò đồi Cam Lộ - Ảnh: PV

Qua gần 3 năm thực hiện trên địa bàn các huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các xã miền núi ở các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ cho thấy việc hỗ trợ đất ở cho hộ gia đình đồng bào thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị quyết 10 đạt tỉ lệ 94,45%, trong đó huyện Hướng Hóa đạt tỉ lệ 100%. Hỗ trợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) ở đạt tỉ lệ bình quân 33,14%; riêng huyện Hướng Hóa đã đo đạc, lập hồ sơ hoàn chỉnh trình cấp giấy CNQSDĐ ở, trong đó đã cấp giấy CNQSDĐ ở đạt tỉ lệ 30,99%. Hỗ trợ cấp giấy CNQSDĐ sản xuất đạt tỉ lệ bình quân 27,93%; riêng huyện Gio Linh đã cấp giấy CNQSDĐ sản xuất đạt tỉ lệ 50%. Hỗ trợ đất sản xuất đạt tỉ lệ bình quân chung 13,55%; địa phương đạt tỉ lệ cao nhất là huyện Gio Linh 3,75 lần (so với định mức). Ngân sách tỉnh hỗ trợ tiền san ủi mặt bằng đất làm nhà ở cho hộ gia đình đạt tỉ lệ 100%; hỗ trợ kinh phí cấp giấy CNQSDĐ ở và đất sản xuất đạt tỉ lệ 77,31% so với phần 80% cấp tỉnh đảm bảo.

Kết quả thực hiện Nghị quyết 10 đã tập trung giải quyết cơ bản những vấn đề khó khăn về đất ở, một phần đất sản xuất, cấp giấy CNQSDĐ ở, đất sản xuất nhằm đảm bảo cho các hộ nghèo có đủ đất ở, đất sản xuất, có giấy CNQSDĐ làm hồ sơ pháp lý khi giao dịch dân sự, tiếp cận vốn ưu đãi từ các chính sách để phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống về vật chất và tinh thần cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở miền núi, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần giảm nghèo bền vững, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững trật tự xã hội, quốc phòng - an ninh vùng miền núi. Kết quả thực hiện Nghị quyết 10 cũng góp phần thực hiện mục tiêu của chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 10 vẫn còn một số bất cập, hạn chế như: Việc cấp giấy CNQSDĐ ở mới đạt tỉ lệ 33,14%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu của nghị quyết là đến năm 2020 phấn đấu 100% hộ gia đình được cấp giấy CNQSDĐ ở. Việc hỗ trợ đất sản xuất từ quỹ đất chuyển đổi đất rừng phòng hộ ít xung yếu sang đất rừng sản xuất theo Nghị quyết 14/2016/NQHĐND ngày 19/8/2016; đất thu hồi từ các công ty lâm nghiệp theo Nghị quyết 29/2017/ NQ-HĐND ngày 14/12/2017 để giao lại cho các địa phương đang còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, dẫn đến việc bố trí đất sản xuất cho các hộ gia đình thiếu đất gặp khó khăn.

Nguyên nhân chậm tiến độ cấp giấy CNQSDĐ ở là một số địa phương chưa triển khai thực hiện Nghị quyết 10, hoặc việc thống kê chưa rõ ràng; về cấp giấy CNQSDĐ sản xuất, địa phương đang xử lý đất chồng lấn của hộ gia đình với hộ gia đình, hộ gia đình với một số dự án khác như: Chương trình 30a, dự án đất lâm nghiệp, phi lâm nghiệp, dự án của một số tổ chức doanh nghiệp. Mặt khác, đất sản xuất của mỗi hộ gia đình có nhiều thửa rời rạc, không liền kề nên công tác rà soát, đo đạc lập hồ sơ địa chính cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Về hỗ trợ đất sản xuất tại huyện Đakrông, tuy đã nhận lại diện tích đất chuyển đổi của Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đakrông nhưng phải tiếp tục rà soát để giao lại cho hộ gia đình; tại huyện Vĩnh Linh đã nhận lại đất của Công ty Lâm nghiệp Bến Hải nhưng phải đợi đến chu kỳ khai thác tài sản trên đất mới giao lại cho dân.

Thời gian thực hiện các chính sách theo Nghị quyết 10 kết thúc vào năm 2022, vậy nên, để đảm bảo cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn, bản đặc biệt khó khăn tỉnh Quảng Trị được hưởng chính sách của địa phương, xác lập quyền sử dụng đất ở, đất sản xuất, tránh xung đột, tranh chấp, ổn định sản xuất, theo chúng tôi, các địa phương cần nhanh chóng giải quyết việc đo vẽ cấp giấy CNQSDĐ ở. Sớm bóc tách đất sản xuất của các hộ gia đình ra khỏi diện tích đất của các tổ chức, doanh nghiệp; giải quyết dứt điểm ranh giới đất sản xuất của hộ gia đình với hộ gia đình để đo vẽ, sớm cấp giấy CNQSDĐ sản xuất.

Đối với phần diện tích đất có tài sản là cây lâm nghiệp trên đất của các tổ chức, doanh nghiệp bàn giao nên vận động theo hướng mua luôn tài sản trên đất để tiếp tục sản xuất, không đợi đến chu kỳ khai thác rồi mới bàn giao. Những trường hợp không thể bảo đảm đủ đất sản xuất theo đúng định mức của hộ gia đình thì vận động chuyển đổi nghề thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Nhật Nguyên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161645&title=quan-tam-thuc-hien-tot-chinh-sach-ho-tro-ve-dat-cho-ho-dong-bao-dan-toc-thieu-so-ngheo-ho-ngheo-o-khu-vuc-kho-khan