Quan tâm tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục
Ban Pháp chế HĐND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường lớp đảm bảo hơn.
Chiều 3/7, Ban Pháp chế HĐND tỉnh có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về việc chấp hành pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Kỳ và Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần chủ trì cuộc làm việc. Cùng dự Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Trần Đình Gia.
Theo báo cáo, năm học 2022 – 2023, toàn tỉnh có 38 trường THPT công lập trực thuộc sở, trong đó có 24 trường hạng 1, 10 trường hạng 2, 4 trường hạng 3; 37 trường tổ chức 1 buổi/ngày; 1 trường tổ chức 2 buổi/ngày (cấp THCS của Trường THCS&THPT Dân tộc nội trú Hà Tĩnh); có 40.659 học sinh, 2.659 giáo viên.
Hệ thống các trường mầm non và phổ thông trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được quy hoạch khá hợp lý, đáp ứng nhu cầu học tập của con em và có điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.
Từ năm 2020 đến năm 2023, toàn tỉnh đã thực hiện luân chuyển 82 viên chức, biệt phái 153 viên chức; điều động và bổ nhiệm 22 viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và bổ nhiệm lại trong lĩnh vực giáo dục.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh ban hành quy định chuyển công tác giáo viên các đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT để thực hiện chuyển giáo viên từ đơn vị thừa đến đơn vị thiếu nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên cục bộ.
Qua giám sát, các đại biểu tham dự cho rằng, Sở GD&ĐT cần quan tâm đến công tác điều động, luân chuyển, biệt phái, bổ nhiệm viên chức do ngành, địa phương quản lý; công tác tuyển dụng, sử dụng, quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Kết luận cuộc làm việc, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nhuần đánh giá cao việc chấp hành pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý biên chế sự nghiệp giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, đề nghị Sở GD&ĐT tiếp tục thực hiện sắp xếp lại mạng lưới trường lớp; rà soát cơ cấu, tổ chức bộ máy, sắp xếp đội ngũ giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các đơn vị, các trường học phù hợp với quy định và thực tế; có giải pháp, lộ trình cụ thể để giải quyết một số bất cập về cơ cấu giáo viên các bộ môn, các cấp học và việc thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn tuyển dụng, quản lý và sử dụng biên chế sự nghiệp giáo dục.
Đặc biệt, Sở GD&ĐT cần nâng cao công tác tham mưu quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục công lập phù hợp tình hình thực tế, trong đó quan tâm quy hoạch, phát triển mạng lưới các trường ngoài công lập tại các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, địa phương phát triển công nghiệp, đô thị.