Quan tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai

ĐTO - Các cấp, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự năm 2024 đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn đã kịp thời huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ người dân bị thiệt hại nhanh chóng khắc phục hậu quả và sớm ổn định đời sống.

Hiện trường vụ sạt lở đất bờ sông Tiền thuộc địa bàn xã An Hiệp (huyện Châu Thành) gây thiệt hại tổng diện tích đất khoảng 3.000m2 vào ngày 25/7/2024

Hiện trường vụ sạt lở đất bờ sông Tiền thuộc địa bàn xã An Hiệp (huyện Châu Thành) gây thiệt hại tổng diện tích đất khoảng 3.000m2 vào ngày 25/7/2024

Đặc biệt là việc vận dụng, triển khai một số giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai như: nạo vét kênh trục, kênh cấp 1 và hệ thống kênh nội đồng phục vụ công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước cục bộ; xây dựng công trình phòng, chống xói lở bờ sông, kênh, rạch, nâng cấp đê bao phòng, chống lũ và triều cường. Cùng với đó, bố trí dân cư vùng thiên tai, sạt lở nguy hiểm vào các khu, cụm, tuyến dân cư nhằm giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.

Các sở, ngành tỉnh và UBND các huyện, thành phố xác định công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu; không chủ quan, lơ là, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ đối với mọi tình huống, sự cố thiên tai. Ngoài ra, chủ động phối hợp, hỗ trợ các địa phương triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; lồng ghép vào chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; tập trung huy động các nguồn lực xã hội phù hợp phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Điển hình: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, Đài Khí tượng thủy văn tỉnh nhận định tình hình thời tiết, khí tượng và nguy cơ thiên tai có khả năng ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp tiếp nhận, truyền phát các tin cảnh báo về diễn biến của khí tượng thủy văn, mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, sạt lở bờ sông và thời tiết nguy hiểm để các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh chủ động phòng, tránh, ứng phó kịp thời.

Trong năm 2025, Sở NN&PTNT phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND huyện, thành phố khẩn trương kiểm tra, rà soát trang thiết bị, phương tiện, thông tin liên lạc thiết yếu phục vụ công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; tham mưu, trình UBND tỉnh xem xét, đầu tư mua sắm phương tiện, trang thiết bị phù hợp và cần thiết để sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo đúng quy định hiện hành.

Theo Sở NN&PTNT, thông qua công tác kiểm tra phòng, chống thiên tai, theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các ngành, địa phương lập kế hoạch huy động nguồn lực để thực hiện hỗ trợ, cứu trợ xã hội đối với các khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai và khắc phục hậu quả khi xảy ra sự cố. Sở phối hợp các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống thiên tai giai đoạn 2026 - 2030 và Kế hoạch thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng đến năm 2030” trên địa bàn.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh phối hợp, tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, phân công nhiệm vụ và Quy chế hoạt động Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh sau khi Nghị định quy định chi tiết về Luật Phòng thủ dân sự được ban hành và có hiệu lực thi hành. Theo dõi chặt chẽ tình hình sự cố, thiên tai chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai công tác ứng phó, tìm kiếm cứu nạn khi có tình huống, đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Các huyện, thành phố chú trọng công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, áp phích, tờ rơi và các hình thức phù hợp khác; tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức cộng đồng và những người làm công tác phòng, chống thiên tai. Đẩy mạnh phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống thiên tai, xác định các rủi ro thiên tai, giải pháp ứng phó phù hợp với từng nhóm cộng đồng người dân.

Ban Chỉ đạo Ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện: Hồng Ngự, Tân Hồng, Thanh Bình, Tam Nông và TP Cao Lãnh tăng cường chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc chủ đầu tư, các đơn vị liên quan cam kết đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình cụm, tuyến dân cư phục vụ di dân, tái định cư và phòng, chống thiên tai trong năm 2025. Đồng thời nghiên cứu nhân rộng mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai như trồng bần để giữ đất phòng, chống sạt lở bờ sông và kênh, rạch nội đồng.

DŨNG CHINH

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/moi-truong/quan-tam-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-va-phong-chong-thien-tai-129460.aspx