Quan tâm văn hóa đọc cho thiếu nhi

Sách có vai trò quan trọng với sự hình thành và phát triển nhân cách con người, đặc biệt là độ tuổi thiếu nhi. Tuy nhiên ngày nay, khi văn hóa nghe, nhìn đang có phần lấn át văn hóa đọc, nhiều trẻ em quá ham mê thiết bị công nghệ khiến việc xây dựng, phát triển văn hóa đọc ở không ít gia đình còn hạn chế. Vì vậy, tạo thói quen đọc sách, nuôi dưỡng tình yêu với sách cho trẻ cần có sự vào cuộc của cả nhà trường, gia đình và xã hội.

Các em thiếu nhi hào hứng chọn đọc những cuốn sách yêu thích tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2024.

Các em thiếu nhi hào hứng chọn đọc những cuốn sách yêu thích tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Nam Định năm 2024.

Thư viện Trường Tiểu học Trần Nhân Tông (thành phố Nam Định) được bố trí không gian thân thiện, khoa học, phù hợp với lứa tuổi của các em học sinh theo tinh thần “học mà chơi, chơi mà học”. Thư viện được thiết kế với không gian mở, các loại đồ dùng thiết bị được trang bị đầy đủ như: bàn ghế, thảm xốp trải nền... tạo thiện cảm, gần gũi và sinh động. Đặc biệt, trên sân trường, nhiều kệ sách, báo được sắp xếp gọn gàng, ngay ngắn, phục vụ nhu cầu đọc tại chỗ của học sinh. Nhằm khơi dậy và bồi đắp niềm ham thích đọc sách cho học sinh, nhà trường đã thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động để học sinh có cơ hội tiếp cận với những cuốn sách bổ ích, ý nghĩa. Trong các buổi sinh hoạt, nhà trường thường phổ biến đến giáo viên chủ nhiệm lớp, tuyên truyền về lợi ích của việc đọc sách cho học sinh. Đồng thời tổ chức cuộc thi “Mở sách - mở thế giới” nhằm xây dựng thói quen đọc sách mỗi ngày và lan tỏa văn hóa đọc tới toàn thể học sinh, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo. Với hơn 4.000 đầu sách được trang bị ở thư viện trường học đã cung cấp cho các em học sinh nguồn tư liệu phong phú. Điểm nổi bật là thông qua các cuộc thi tìm hiểu, luôn có sự đồng hành của cha mẹ học sinh như: Tham gia đọc sách cùng con, tương tác với con học sinh để việc học, việc đọc tăng thêm tính hiệu quả, bổ sung thêm tư liệu vào các bài dự thi. Không chỉ đầu tư xây dựng thư viện đạt chuẩn, nhà trường còn xây dựng “thư viện thân thiện”, “thư viện xanh” tại sân trường, góc lớp để các em học sinh có thể đọc sách trong mỗi giờ ra chơi.

Ở Trường Tiểu học Nam Giang (Nam Trực) mỗi lớp đều xây dựng 1 tủ sách riêng, sắp xếp gọn gàng, trang trí đẹp mắt. Ngoài ra, thư viện nhà trường có hơn 6.000 cuốn sách luôn mở cửa đón học sinh mỗi lớp ít nhất 1 buổi/tháng; đồng thời tổ chức luân chuyển sách giữa các thư viện lớp học ít nhất 1 lần/tuần. Giờ ra chơi, nhờ có tủ sách đa dạng, nhiều em tìm đến đọc sách, qua đó giúp học sinh mở mang kiến thức và giải tỏa căng thẳng sau giờ học. Bên cạnh đó, nhiều góc đọc sách cộng đồng đã được xây dựng, tận dụng những không gian hành lang, ngoài trời… thu hút khoảng 100-200 học sinh đến đọc sách hàng ngày. Để tạo phong trào đọc sách cho thiếu nhi, nhà trường có sự phối hợp chặt chẽ giữa thư viện với liên đội xây dựng đa dạng các hoạt động. Trong đó, quan tâm phát triển mô hình “mỗi tuần đọc một cuốn sách hay dưới cờ”; thực hiện các video clip giới thiệu sách… lan tỏa những câu chuyện, những bài học ý nghĩa trong sách đến học sinh. Đến nay, phong trào đọc sách ở Trường Tiểu học Nam Giang đã thu hút học sinh tham gia sôi nổi, từ đó, các em tự tin hơn trong giao tiếp ứng xử, thể hiện bản thân trong học tập và cuộc sống.

Với mục tiêu giúp các em học sinh có thể thư giãn thoải mái sau những giờ học căng thẳng, xây dựng kỹ năng đọc, ngoài hệ thống thư viện nhà trường, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tổ chức các hoạt động: xây dựng, bổ sung sách cho thư viện nhà trường, khu dân cư; tổ chức ngày hội Sách thiếu nhi; thi đại sứ văn hóa đọc; vẽ tranh và giới thiệu sách hay. Đặc biệt, nhiều trường học đã và đang chung tay tạo dựng những không gian đọc sách mở, sinh động và hấp dẫn để kết nối tình yêu sách và hình thành kỹ năng học tập suốt đời. Đến nay, 100% trường học các cấp trong tỉnh đều có thư viện trường, hơn 10 nghìn tủ sách lớp học. Bên cạnh các thư viện truyền thống với hàng nghìn đầu sách, nhiều trường đã đầu tư thư viện thông minh, thư viện điện tử hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập, tra cứu, tìm kiếm sách và tài liệu tham khảo của cán bộ, giáo viên và học sinh. Ngoài hệ thống thư viện trường học, trên địa bàn tỉnh còn có nhiều không gian đọc sách dành riêng cho thiếu nhi. Trong đó phải kể đến phòng đọc thiếu nhi của Thư viện tỉnh với hơn 18 nghìn bản sách; hệ thống thư viện 9 huyện, thành phố, nhiều thư viện tư nhân, hàng nghìn tủ sách gia đình, dòng họ… đã và đang sẵn sàng phục vụ đối tượng thiếu nhi. Đây là những không gian đặc sắc và sáng tạo được duy trì để lan tỏa, phát triển văn hóa đọc trong các em nhỏ.

Tuy nhiên, để tạo thói quen đọc sách cho thiếu nhi cũng cần có sự quan tâm, hướng dẫn và đồng hành của gia đình. Ở lứa tuổi thiếu nhi, nhận thức của các em chủ yếu là do cảm tính. Ngoài hệ thống thư viện với những cuốn sách mang tính giáo dục cao, trên thị trường sách hiện nay, đặc biệt là các cửa hàng sách cũ, cửa hàng chuyên cho thuê truyện, loại truyện tranh có hình ảnh phản cảm, nội dung nghèo nàn, không có tính giáo dục vẫn được bày bán công khai và rất đắt khách. Khi tiếp xúc thường xuyên với văn hóa phẩm không lành mạnh có những hình ảnh bắt mắt, ngôn từ “gây sốc”, nhan đề giật gân các em rất dễ bị dụ dỗ, kích thích trí tò mò. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, các loại sách có nội dung xấu sẽ xâm nhập vào tâm trí non nớt của thiếu nhi, gặm nhấm tâm hồn trẻ làm cho trẻ mất lý tưởng sống, dễ dàng học theo những thói hư, tật xấu. Bên cạnh đó, những cuốn truyện này không những không bồi dưỡng kiến thức cho các em một cách đúng đắn mà còn khiến các em bị ngộ nhận, trí tuệ phát triển lệch lạc, thiếu định hướng và ý chí rèn luyện tu dưỡng. Thậm chí nhiều truyện cổ tích hay ở trong nước và nước ngoài khi các nhà xuất bản chuyển thể sang truyện tranh đã bị cắt gọt, thậm chí sai hoàn toàn về nội dung, trong truyện có nhiều từ ngữ rất ngô nghê, hình vẽ không phù hợp với nội dung truyện hoặc những hình ảnh bạo lực từ chính những nhân vật các em đã từng tôn thờ, ngưỡng mộ đã xóa nhòa tất cả dấu ấn về văn hóa, lịch sử của dân tộc mà thay vào đó là những nhân vật “lai tạp” giống truyện tranh Hàn Quốc, Nhật Bản, như anh Khoai trong “Cây tre trăm đốt” tóc màu xanh lá cây, Mai An Tiêm tóc “nhuộm” nâu pha xanh, Thạch Sanh tóc màu da cam... cùng với những hình ảnh minh họa phản cảm, không có tính giáo dục.

Vì vậy, để “nuôi dưỡng” văn hóa đọc cho thiếu nhi, cha mẹ nên trang bị cho con em mình những kỹ năng sống, giúp cho các em biết phân biệt để các em có thể tự đánh giá được tốt - xấu, đúng - sai. Bên cạnh đó, gia đình cũng phải dành thời gian quan tâm đến con em mình nhiều hơn, tránh để các em tự do tìm hiểu tiếp xúc với những cuốn sách có hại cho lứa tuổi. Mỗi phụ huynh cần tạo môi trường để trẻ tiếp cận với sách, truyện từ nhỏ, thường xuyên mua sách, đưa trẻ đi chơi ở các nhà sách, thư viện, hội chợ sách và tùy theo lứa tuổi, sở thích để lựa chọn những loại sách phù hợp cho con. Đặc biệt, bố mẹ cần làm gương cho con, dành thời gian đọc sách và hướng dẫn con đọc sách, khuyến khích và dành những lời khen ngợi khi con đọc và học theo những điều bổ ích trong sách. Cho con tham gia các cuộc thi kể chuyện theo sách, tạo sự tự tin cho con… từ đó, tạo hứng thú, giúp các em yêu thích đọc sách hơn.

Với sự quan tâm, chung tay của các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội, văn hóa đọc đã và đang ngày càng lan tỏa sâu rộng. Qua đó, mỗi trẻ em đều được tiếp cận những điều bổ ích từ sách, nuôi dưỡng tình yêu với sách, từ đó, hình thành nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần và thiết thực xây dựng xã hội học tập.

Bài và ảnh: Hồng Minh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/van-hoa-nghe-thuat/202410/quan-tam-van-hoa-doc-cho-thieu-nhi-ef1363c/