Quan tâm xây dựng hệ thống thủy lợi cho xã É Tòng

Đến xã vùng cao É Tòng những ngày này, hình ảnh khá phổ biến là nhiều thửa ruộng bên đường nứt nẻ không thể canh tác; những con suối khô cạn...

Diện tích ruộng ở bản Cang bị bỏ hoang do thiếu nước.

Diện tích ruộng ở bản Cang bị bỏ hoang do thiếu nước.

É Tòng có diện tích lúa nước là 35 ha, nhưng trên địa bàn xã mới có 4 công trình thủy lợi với tổng chiều dài mương dẫn nước 3,9 km, phục vụ tưới tiêu cho 26,4 ha, gồm 6,6 ha lúa chiêm, 19,1 ha lúa mùa và 0,7 ha nuôi trồng thủy sản. Lượng nước từ các công trình thủy lợi mỗi ngày một ít không đáp ứng nhu cầu thực tế sản xuất tại địa phương. Hệ thống thủy lợi không phát huy hết công năng cấp nước tưới cho diện tích ruộng lúa nên tại vị trí trung tâm xã kéo dài dọc suối Nậm É đến cầu cứng thuộc khu vực các bản: Nà Mảnh, Nà Muông, Long Nặm, Nong Lanh bản Cang, bản Tở, bản Ten… người dân các bản đã tự làm các cọn nước và sử dụng ống tạm dẫn nước về để cấp nước tưới cho một số diện tích ruộng lúa 2 vụ.

Ông Lò Văn Chân, Chủ tịch UBND xã É Tòng, cho biết: Các công trình thủy lợi trên địa bàn xã được đầu tư từ năm 2005 nên đã bị xuống cấp, rất cần được đầu tư, sửa chữa nâng cấp. Hiện, công trình thủy lợi Thẳm Ổn bị lũ phá hỏng đập đầu mối và toàn bộ tuyến kênh mương và công trình thủy lợi Nà Lanh đập đầu mối bị sập hoàn toàn và hư hỏng 175 m kênh mương, gây khó khăn cho sản xuất của bà con. Để đảm bảo cấp đủ nước tưới cho 35 ha ruộng lúa 2 vụ thuộc khu vực bản Nà Mảnh, Nà Muông, Long Nặm, bản Cang, bản Tở, bản Ten, bản Nong Lạnh, xã É Tòng, UBND huyện Thuận Châu đã chỉ đạo khảo sát, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án Thủy lợi Băng Mù Long.

Do hệ thống thủy lợi chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nước tưới, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã É Tòng phụ thuộc lớn vào nguồn nước mưa và nước ngầm. Nỗi lo thiếu nước sản xuất trong mùa khô luôn là bài toán khó cho nông dân trên địa bàn xã. Ông Lò Văn Tâm, bản Nà Muông cho biết: Người dân nơi đây sản xuất lúa phụ thuộc theo thời tiết, vụ mùa thì nước tưới tạm đủ, nhưng vụ chiêm thì nước suối cạn, không đủ nước để sản xuất. Chúng tôi rất mong Nhà nước quan tâm đầu tư hệ thống thủy lợi, hỗ trợ ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm để giảm chi phí sản xuất, tránh lãng phí nguồn nước ngầm đang ngày càng cạn kiệt. Do không đủ nước tưới, nên diện tích cây trồng của nhiều gia đình bị giảm năng suất, chi phí chăm sóc rất tốn kém.

Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, cho biết: Huyện đang đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh xem xét đưa danh mục công trình thủy lợi Băng Mù Long, xã É Tòng vào danh mục các công trình ưu tiên, trọng điểm đầu tư trong giai đoạn 2021-2025; xem xét cân đối, bố trí lồng ghép nguồn kinh phí để triển khai duy tu, sửa chữa, nâng cấp các công trình bị hư hỏng, đảm bảo việc cung cấp nước tưới tiêu cho sản xuất của bà con trên địa bàn xã É Tòng.

Tình trạng thiếu nước trong mùa khô ở xã É Tòng đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân. Để khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất, huyện Thuận Châu và xã É Tòng khuyến cáo bà con nên tuân thủ lịch mùa vụ, sử dụng nước tiết kiệm để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất. Cùng với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước thì phải dựa vào nội lực của dân và cộng đồng để duy tu, bảo dưỡng các hệ thống kênh mương hiện có để từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp, giúp người dân khai thác quỹ đất sản xuất chưa được sử dụng, tăng năng suất, sản lượng lương thực trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống đồng bào vùng cao.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/quan-tam-xay-dung-he-thong-thuy-loi-cho-xa-e-tong-40951