Quan tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
Không chỉ thúc đẩy sự lớn mạnh của tổ chức Hội, quyết định đến kết quả hoạt động của Hội mà tổ chức Hội vững mạnh còn là điểm tựa vững chắc cho hội viên. Vì vậy, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn coi xây dựng tổ chức Hội vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Trong đó, công tác tập hợp hội viên tham gia tổ chức Hội là nhiệm vụ then chốt để xây dựng và phát triển tổ chức Hội vững mạnh.
* Đa dạng hình thức tập hợp hội viên
Một trong những mô hình có sức thu hút hội viên được các cấp Hội LHPN TP.Biên Hòa thực hiện từ nhiều năm nay là mô hình giúp vốn từ các nguồn vốn tiết kiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ.
Bà Đặng Thị Phương Hảo, Phó chủ tịch Hội LHPN TP.Biên Hòa cho biết, để thực hiện mô hình giúp vốn phát triển, Hội LHPN TP.Biên Hòa đã tổ chức ký kết thi đua giữa các cơ sở Hội. Đồng thời, đưa nội dung giúp đỡ cho hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ làm chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá, phân loại cơ sở Hội. Từ nguồn vốn tiết kiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ đã giúp cho nhiều hội viên phụ nữ lúc khó khăn.
Theo bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch phụ trách Hội LHPN tỉnh, bên cạnh công tác tập hợp hội viên, phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ Hội ở cơ sở, để xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, Hội LHPN tỉnh đã và đang tập trung chỉ đạo các cấp Hội củng cố cơ sở Hội yếu kém, cải tiến nội dung và hình thức sinh hoạt Hội theo hướng thiết thực, hấp dẫn, phù hợp với nhu cầu của phụ nữ; tăng cường tính tự nguyện, tự giác, tự quản của hội viên trong các hoạt động Hội.
Sinh được 2 người con nhưng chị N.T.D., ở KP.Vườn Dừa, P.Phước Tân (TP.Biên Hòa) lại không được may mắn như những người phụ nữ khác. Cả 2 con đều có vấn đề về tim, sức khỏe yếu. Vợ chồng chị dù chăm chỉ làm lụng nhưng cuộc sống vẫn khó khăn vì phải thường xuyên thăm khám, thuốc men cho con. Có những lúc chưa nhận lương, tiền trong nhà đã cạn mà con thì đến kỳ tái khám, chị D. không biết vay mượn ở đâu ngoài tổ tiết kiệm của phụ nữ. “Tổ phụ nữ không chỉ là nơi để tôi gặp gỡ, chia sẻ với chị em niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống mà còn là điểm tựa, là “phao” cứu sinh khi tôi gặp khó khăn” - chị D. bộc bạch.
Bên cạnh các mô hình tập hợp phụ nữ theo địa bàn dân cư, các cấp Hội còn tập hợp phụ nữ theo từng nhóm phụ nữ đặc thù như: tôn giáo, dân tộc, công nhân... Sau 3 năm thành lập, Tổ phụ nữ Công giáo ấp Đông Kim, xã Gia Kiệm (H.Thống Nhất) từ chỗ chỉ có 20 hội viên nay đã tăng lên 40 hội viên. Bà Lưu Thị Nga, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Đông Kim chia sẻ, nếu chỉ hô hào bằng lời nói thì không thể tập hợp được hội viên mà cần có những hoạt động, những việc làm liên quan trực tiếp đến quyền lợi chị em. Ngoài việc giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với các nguồn vốn, các thành viên Tổ phụ nữ Công giáo định kỳ 6 tháng, 1 năm được khám phụ khoa, cấp thuốc miễn phí hoặc giới thiệu lên tuyến trên điều trị.
Từ năm 2019, sau khi có cơ chế phối hợp với Công an tỉnh, Viện Kiểm sát và TAND tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã lên tiếng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc giải quyết nhiều vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em, nhất là các vụ việc kéo dài; hỗ trợ kịp thời đối với các trường hợp phụ nữ bị bạo hành, tạo được niềm tin của hội viên phụ nữ vào tổ chức Hội.
Vụ việc của cô gái trẻ P.T.T.T., nhân viên quán cà phê bị chủ quán đánh đập dã man vì không chịu tiếp khách xảy ra ở P.Long Bình (TP.Biên Hòa) là một ví dụ. Hội LHPN tỉnh đã đến thăm hỏi, nắm tình hình và phối hợp với Hội LHPN tỉnh Tây Ninh tìm kiếm thân nhân cho cô. Sau khi xuất viện, cô đã được bố trí xe đưa về quê an toàn. Đặc biệt, Hội LHPN tỉnh đã gửi văn bản đến cơ quan điều tra Công an tỉnh và Công an TP.Biên Hòa đề nghị xử lý nghiêm đối với hành vi của các đối tượng bạo hành chị T.T. theo quy định của pháp luật. Hiện tại, các đối tượng này đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra, xử lý; đồng thời, tiếp tục giám sát việc xử lý vụ việc đối với các cơ quan tố tụng nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nạn nhân.
* Phát huy vai trò của cán bộ Hội ở cơ sở
Bên cạnh công tác tập hợp phụ nữ vào Hội, đội ngũ cán bộ Hội phụ nữ các cấp, nhất là Hội phụ nữ cơ sở được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy công tác Hội và phong trào phụ nữ phát triển. Bà Lê Thị Thái, Phó chủ tịch phụ trách Hội LHPN tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 170 cơ sở Hội, trên 1 ngàn chi hội và trên 8,4 ngàn tổ hội. Thời gian qua, Hội LHPN trong tỉnh luôn quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ Hội ở cơ sở.
Hội LHPN tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có trên 714 ngàn phụ nữ do các cấp Hội đang quản lý. Tính đến thời điểm này, các cấp Hội trong toàn tỉnh đã tập hợp được hơn 416 ngàn hội viên, đạt tỷ lệ trên 58,3%.
Bên cạnh việc cử cán bộ tham gia và hoàn thành các lớp nâng cao trình độ chính trị, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho các chị là chủ tịch, phó chủ tịch, ban thường vụ, ban chấp hành Hội LHPN cấp huyện, cấp xã; tổ chức lớp bồi dưỡng kỹ năng vận động phụ nữ cho đội ngũ chi hội trưởng của 11 huyện, thành phố. Hội LHPN các huyện, thành phố cũng đã phối hợp với trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện, thành phố tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho hàng ngàn lượt cán bộ Hội cấp xã, đội ngũ chi hội trưởng tại địa phương.
Ngoài ra, hằng năm, Hội LHPN tỉnh còn tổ chức hội thi cán bộ Hội giỏi, cán bộ Hội LHPN ứng dụng công nghệ thông tin giỏi thu hút hàng trăm cán bộ Hội cơ sở tham gia. Đồng thời, để ghi nhận, động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ có nhiều năm gắn bó với công tác ở chi hội, đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào phụ nữ, hằng năm vào dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Hội, Hội LHPN các cấp thường tổ chức tuyên dương, khen thưởng chi hội trưởng tiêu biểu... tạo động lực để đội ngũ cán bộ chi hội tiếp tục cống hiến cho công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Theo bà Lê Thị Thái, bên cạnh việc bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, các cấp Hội luôn chú trọng khơi dậy tinh thần nhiệt huyết của đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở, nhất là đội ngũ cán bộ các chi, tổ Hội - những người trực tiếp tổ chức các hoạt động ở cơ sở. Bởi, cán bộ chi, tổ Hội không có chế độ lương thưởng mà làm việc bằng nhiệt huyết với công tác Hội và phong trào phụ nữ. Đáng trân trọng là mặc dù “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhưng cán bộ chi, tổ Hội làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Gần 20 năm gắn bó với công tác Hội và phong trào phụ nữ, bà Trần Thị Tuyết Nhung, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 1, xã Bình Lợi (H.Vĩnh Cửu) đã có nhiều đóng góp cho công tác Hội và phong trào phụ nữ. Bà Tuyết Nhung chia sẻ, ban đầu khi mới nhận nhiệm vụ bà không có kỹ năng, không có nghiệp vụ, thậm chí cơ cấu tổ chức Hội bà còn chưa hiểu hết. Thế nhưng, chính nhiệt huyết với phong trào đã giúp bà vượt qua mọi khó khăn để học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội. Những hoạt động của chi hội vì thế cũng bám sát nhu cầu, nguyện vọng thiết thực của phụ nữ, đó là được giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình, nuôi dạy con tốt.
Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng của Hội cấp trên, sự chỉ đạo của Chi bộ ấp, bà Tuyết Nhung còn vận động hội viên phụ nữ chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới kiểu mẫu của địa phương; chung tay chăm lo cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, tiếp sức học sinh vượt khó đến trường...
“Mặc dù chỉ làm công tác Hội ở ấp nhưng tôi cũng thường xuyên phải đi, nhất là vào buổi tối hay ngày chủ nhật. Người thân khuyên tôi dừng lại để nghỉ ngơi nhưng có gần 20 năm gắn bó, tôi cũng cảm thấy vui khi mỗi tháng được gặp, lắng nghe chị em giãi bày niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, tôi cảm thấy mình còn có ích...” - bà Tuyết Nhung bộc bạch.
Nga Sơn
Bà Đào Nguyên, nguyên Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, hiện là Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh: Cán bộ Hội phải nhạy bén, sáng tạo
So với thời điểm trước, công tác Hội và phong trào phụ nữ hiện nay có thêm nhiều điều kiện để phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi luôn đi kèm với những khó khăn, thách thức. Trong đó, có thể kể đến là sự tác động của biến đổi khí hậu, sự bùng nổ dân số, vấn đề môi trường, an toàn thực phẩm, buôn bán phụ nữ, bạo hành phụ nữ... ảnh hưởng không nhỏ đến tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ, đến công tác Hội và phong trào phụ nữ. Đặc biệt, sự phát triển của công nghệ thông tin, các thiết bị thông minh và mạng xã hội đã tạo cơ hội đồng thời cũng là “mảnh đất” màu mỡ để các thế lực thù địch lợi dụng để tuyên truyền kích động chống phá Đảng, Nhà nước...
Vì vậy, tôi nghĩ, đội ngũ cán bộ Hội hiện nay cần có sự nhạy bén trong việc nắm bắt thông tin, định hướng thông tin chính thống cho hội viên phụ nữ; nhạy bén để hiểu hội viên phụ nữ cần gì; đồng thời, điều cán bộ Hội ngày nay cần phải có chính là sự sáng tạo. Nhạy bén và sáng tạo sẽ giúp cán bộ Hội đề ra được những mô hình, những hoạt động mới phù hợp với nhu cầu hội viên nhằm tập hợp hội viên, phụ nữ.
Chị Hồ Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội LHPN H.Nhơn Trạch: Viết tiếp truyền thống của Hội
Tôi may mắn khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội LHPN H.Nhơn Trạch vào đúng thời điểm tổ chức Hội các cấp đang chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.
Qua tìm hiểu lịch sử, tôi nhận thấy trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước, thời kỳ nào cũng ghi dấu về những cống hiến của phụ nữ Việt Nam. Đối với tổ chức Hội LHPN Việt Nam từ khi thành lập đến nay đã không ngừng lớn mạnh. Vai trò, vị thế của tổ chức Hội ngày càng được khẳng định.
Tôi tự hào khi là thế hệ tiếp nối truyền thống vẻ vang của tổ chức Hội; đồng thời, tôi cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong quá trình viết tiếp truyền thống ấy. Để viết tiếp truyền thống của Hội, cá nhân tôi cũng như mỗi cán bộ Hội không ngừng phấn đấu trong học tập, công tác; năng động, sáng tạo trong công việc, làm tốt vai trò đoàn kết, tập hợp các tầng lớp phụ nữ, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, khẳng định vị thế của phụ nữ và góp sức vào sự phồn vinh của đất nước.
Chị Võ Thị Thúy Hòe, công nhân Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP.Biên Hòa): Tiếp tục chăm lo, bảo vệ quyền lợi của hội viên phụ nữ
Trong những năm qua, qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tôi nhận thấy tổ chức Hội các cấp trong tỉnh đã làm được rất nhiều việc. Trong đó, Hội đã xây dựng được hàng trăm mô hình hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt cho hội viên phụ nữ về chính sách pháp luật, về giới, bình đẳng giới, vị trí vai trò của phụ nữ trong gia đình và xã hội; giúp đỡ hội viên phụ nữ có cơ hội học tập, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, xây dựng gia đình hạnh phúc, chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ trong cuộc sống... Đặc biệt, gần đây, Hội LHPN các cấp đã lên tiếng, thúc đẩy các cơ quan chức năng xử lý nhanh, nghiêm một số vụ việc liên quan đến phụ nữ và trẻ em. Điều này khiến tôi cảm thấy rất mừng và có thêm niềm tin vào tổ chức Hội.
Thời gian tới, tôi hy vọng tổ chức Hội phụ nữ với vai trò là nòng cốt trong công tác phụ nữ sẽ tiếp tục quan tâm hơn đến đời sống của từng nhóm phụ nữ, nhất là lao động nữ trong doanh nghiệp để kịp thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của hội viên phụ nữ nhằm làm tốt hơn vai trò chăm lo, bảo vệ quyền lợi của hội viên phụ nữ.
Nguyễn Tuyết (ghi)