Quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc trở thành Di sản Văn hóa Thế giới
Khoảnh khắc gõ búa lịch sử ghi nhận quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành Di sản Văn hóa Thế giới đã mang lại niềm vui và tự hào lớn lao cho phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO)

Phiên họp toàn thể bỏ phiếu công nhận Quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành Di sản Văn hóa Thế giới.
Vào hồi 13h02 ngày 12/7 (giờ Paris), tức 18h02 (giờ Việt Nam), tại Kỳ họp lần thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) diễn ra từ ngày 06 đến 16/7/2025 ở Thủ đô Paris, giáo sư người Bulgaria, Nikolay Nenov, Chủ tịch Kỳ họp, đã chính thức gõ búa công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong hành trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam. Đây là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ hai, sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng).
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc nằm trên địa phận ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và thành phố Hải Phòng, bao gồm 12 điểm di tích trải trên diện tích vùng lõi 525,75 ha và vùng đệm 4.380,19 ha. Điều đặc biệt khiến quần thể di tích này trở nên độc đáo chính là sự kết nối mật thiết giữa các di tích qua nhiều thế kỷ, tạo thành một hệ thống hoàn chỉnh phản ánh quá trình hình thành, phát triển và lan tỏa của Phật giáo Trúc Lâm. Từ vùng núi thiêng Yên Tử đến các khu di tích Vĩnh Nghiêm và Côn Sơn - Kiếp Bạc, mỗi điểm đều mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa và tâm linh sâu sắc.
Quần thể di tích được UNESCO công nhận dựa trên nhiều tiêu chí quan trọng với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi - một dòng Thiền độc đáo được thành lập vào thế kỷ XIII bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm không chỉ đơn thuần là một tôn giáo mà còn là một hệ thống triết lý sống độc đáo, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa Phật giáo Đại thừa với đạo đức Nho giáo, vũ trụ quan Đạo giáo và tín ngưỡng bản địa Việt Nam. Đây chính là minh chứng cho sự sáng tạo văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam trong việc tiếp nhận, chuyển hóa và phát triển các giá trị tôn giáo phù hợp với bản sắc dân tộc. Những giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm về tinh thần hòa giải, hòa hợp và hòa bình hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì và làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình, tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên.

Đại diện phái đoàn Việt Nam tham dự kỳ họp 47 phát biểu cảm ơn các thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) và các đoàn quốc tế đã ủng hộ hồ sơ của Việt Nam trong quá trình xét duyệt.
Khoảnh khắc gõ búa lịch sử ghi nhận quần thể di tích Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc chính thức trở thành Di sản Văn hóa Thế giới đã mang lại niềm vui và tự hào lớn lao cho phái đoàn Việt Nam tham dự hội nghị. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Ban Chỉ đạo - Trưởng ban điều hành xây dựng hồ sơ Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc chia sẻ trong xúc động: "Hồ sơ đã được tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao. Sau nhiều năm nỗ lực, Di sản đã chính thức được quốc tế công nhận. Là lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, địa phương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì để phối hợp với thành phố Hải Phòng và tỉnh Bắc Ninh triển khai xây dựng hồ sơ từ năm 2020, tôi thực sự hết sức xúc động và tự hào. Đây thực sự là một tin vui rất lớn đối với đất nước Việt Nam của chúng ta".

Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay chụp ảnh kỷ niệm với đoàn Việt Nam tại sảnh lễ tân của trụ sở UNESCO.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cũng cho rằng đây là niềm tự hào không chỉ của người dân ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và Hải Phòng, mà là niềm vui của nhân dân cả nước. "Điều này cũng chứng tỏ thành công trong thời gian qua của chúng ta trong công tác bảo tồn và gìn giữ các di tích", ông nhấn mạnh.
Ngay sau khi Quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được chính thức trở thành Di sản Văn hóa Thế giới, các bạn bè quốc tế đã tơi chúc mừng đoàn Việt Nam. Đích thân Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, đã tới chia vui và chụp ảnh kỷ niệm với đoàn Việt Nam tại sảnh lễ tân của trụ sở UNESCO.

Tổng giám đốc UNESCO, bà Audrey Azoulay, đã tới chia vui với đoàn Việt Nam tại sảnh lễ tân của trụ sở UNESCO.
Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - Chủ tịch Kỳ họp cũng chia sẻ : "Quần thể này rất quan trọng đối với toàn nhân loại, không chỉ riêng với Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy rằng nó có ý nghĩa to lớn đối với cộng đồng tôn giáo, đối với người dân bản địa, đó là điều rất quan trọng đối với tất cả chúng ta và toàn thể nhân loại". Chúc mừng nhân dân Việt Nam về thắng lợi này, ông cũng cho rằng giờ là lúc các bên phối hợp với nhau để hướng tới thành công lâu dài.
Trong quá trình ghi danh, hồ sơ đề cử của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế. Sự ủng hộ này không chỉ thể hiện tình hữu nghị giữa các quốc gia mà còn khẳng định giá trị toàn cầu của di sản văn hóa Việt Nam. Đại sứ Ấn Độ, ông Vishal V. Sharma, Trưởng đại diện phái đoàn Ấn Độ bên cạnh UNESCO cho biết : "Đây là một di sản rất quan trọng đối với đất nước và người dân Việt Nam, vì liên quan đến núi Yên Tử – một danh thắng linh thiêng gắn liền với triết lý Phật giáo Trúc Lâm, và nó có liên hệ trực tiếp với vị vua được tôn kính là Trần Nhân Tông. Đó là lý do tại sao điều này rất quan trọng đối với người dân Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Đó cũng là lý do Ấn Độ luôn ủng hộ Việt Nam và vì thế chúng tôi đã quyết định hỗ trợ Việt Nam, trong quá trình sửa đổi và hoàn thiện hồ sơ để ghi danh di sản này. Đã có nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến các báo cáo đánh giá tác động di sản, nhưng Việt Nam đã đáp ứng đầy đủ tất cả các điều kiện, vì vậy chúng tôi cho rằng việc Ủy ban Di sản Thế giới công nhận danh thắng này là một quyết định hoàn toàn đúng đắn". Chia sẻ niềm vui với Việt Nam, ông không quên khẳng định Ấn Độ luôn luôn sát cánh cùng đất nước và nhân dân Việt Nam.
Có thể nói, thành công này là kết quả của một hành trình dài 13 năm với rất nhiều nỗ lực và quyết tâm. Từ năm 2013 đến nay, quá trình nghiên cứu, lập hồ sơ di sản đã được tiến hành một cách bài bản và khoa học. Đặc biệt, từ năm 2020, tỉnh Quảng Ninh được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì phối hợp với thành phố Hải Phòng và tỉnh Bắc Ninh để hoàn thiện hồ sơ. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, quá trình này cũng thể hiện sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Trong đó nổi bật là sự nỗ lực, quyết tâm cao của các địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, đặc biệt là vai trò chủ trì của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Sự phối hợp tích cực giữa ba địa phương với các cơ quan trung ương như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia đã tạo nên sức mạnh tổng hợp.
Không thể không kể đến sự tham gia chuyên môn sâu sắc của các nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước, Ủy ban Di sản Thế giới của Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cùng sự hỗ trợ thiết thực của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp. Thành công của hồ sơ di sản còn có vai trò quan trọng của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực của Việt Nam bên cạnh UNESCO tại Paris - Pháp trong việc điều phối thông tin, kịp thời kết nối, làm việc với các cơ quan chuyên môn của UNESCO, ICOMOS, IUCN, Ủy ban Di sản Thế giới. Đặc biệt, việc tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của 21 quốc gia thành viên Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã đóng góp không nhỏ vào thành công này. Sự hỗ trợ chuyên môn tích cực của các chuyên gia quốc tế, tổ chức ICOMOS trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, giải trình và thực hiện các khuyến nghị cũng là yếu tố quan trọng.

Bạn bè quốc tế chúc mừng đoàn Việt Nam.
Việc ghi danh không chỉ là kết thúc của một hành trình mà còn là khởi đầu cho những trách nhiệm mới. Với việc được UNESCO ghi danh, quần thể di tích Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc đồng thời mang trên mình trách nhiệm nặng nề trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: "Việc công nhận di sản văn hóa thế giới đối với quần thể di tích danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn Kiếp Bạc là thành công khích lệ ban đầu đồng thời cũng thúc đẩy chúng ta tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Việt Nam."
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm hệ thống di tích thuộc các di tích quốc gia đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng. Cùng với cảnh quan núi rừng và không gian văn hóa độc đáo, toàn bộ khu di sản sẽ được bảo tồn, bảo vệ lâu dài, bền vững và phát huy giá trị theo đúng quy định của Luật Di sản văn hóa và Công ước 1972 về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới của UNESCO.
Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì Chùa Yên Tử, đã chia sẻ: "Không những tôi mà tất cả mọi người đều rất mừng. Khi được UNESCO ghi danh là di sản của thế giới, chúng tôi sẽ quyết tâm từng bước để đưa Yên Tử - Côn Sơn - Kiếp Bạc xứng tầm với những điều mà đất nước mong muốn và UNESCO mong muốn."
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, bà Nguyễn Thị Hạnh, cũng cam kết: "Ngay sau đây thì tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục chủ trì cùng với Hải Phòng và Bắc Ninh. Chúng tôi sẽ xây dựng đề án để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản vô giá này của đất nước Việt Nam chúng ta để chúng ta xứng đáng với sự ghi danh của UNESCO và giữ gìn di sản mãi mãi cho muôn đời sau."
Việc Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản thế giới không chỉ là niềm tự hào của ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng mà còn là niềm tự hào của cả dân tộc Việt Nam. Đây là minh chứng cho sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cũng như nỗ lực không ngừng của toàn hệ thống chính trị và nhân dân trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc. Với 9 Di sản Thế giới, Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế trên bản đồ di sản thế giới, đồng thời cam kết thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa quý báu này cho các thế hệ tương lai./.