Quần thể Yên Tử-Vĩnh Nghiêm-Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới dạng chuỗi đầu tiên và là Di sản liên tỉnh thứ hai trong số 9 Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc (thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh và TP. Hải Phòng) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Quyết định vừa được Ủy ban Di sản Thế giới thông qua chiều 12/7/2025 tại Kỳ họp lần thứ 47, diễn ra tại Trụ sở UNESCO, Paris (Pháp).
Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc bao gồm 20 địa điểm trải dài trên núi rừng, đồng bằng và thung lũng ven sông. Tâm điểm là dãy núi Yên Tử, nơi từng là trung tâm của triều đại nhà Trần vào thế kỷ 13–14 và là cái nôi của Thiền phái Trúc Lâm, dòng Thiền mang bản sắc Việt, góp phần định hình nền văn hóa và tinh thần của quốc gia Đại Việt.
Khu di sản bao gồm hệ thống chùa, đền, miếu và di tích khảo cổ, gắn liền với nhiều nhân vật lịch sử và tôn giáo. Với vị trí địa lý thuận lợi và cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, nơi đây vẫn là điểm hành hương linh thiêng và sống động cho đến ngày nay. Các giá trị tư tưởng, văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm hoàn toàn phù hợp với mục tiêu cơ bản của UNESCO trong việc duy trì, làm phong phú các giá trị chung của nhân loại: Giáo dục, xây dựng văn hóa hòa bình; tinh thần tự chủ, kết hợp hài hòa giữa con người và thế giới tự nhiên, tôn trọng quy luật của tự nhiên.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới dạng chuỗi đầu tiên, đồng thời là Di sản liên tỉnh thứ hai trong số 9 Di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.

Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cho rằng, việc ghi danh không chỉ là niềm tự hào của chính quyền và nhân dân ba địa phương Quảng Ninh, Hải Phòng và Bắc Ninh, mà đây còn là niềm vui chung của Việt Nam.
Việc công nhận này khẳng định sự đánh giá cao của quốc tế đối với giá trị của Quần thể di tích và những tư tưởng nhân văn, hòa hiếu tốt đẹp của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, cũng như những nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ di sản.