Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam - 'Địa chỉ đỏ' để tri ân, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ
Trong những ngày tháng 7 lịch sử, Nhân dân ta cả trong và ngoài nước lại hướng về những 'địa chỉ đỏ' - nơi ghi dấu những chiến công bất khuất của dân tộc trong các cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước; tri ân những anh hùng, liệt sĩ đã dâng hiến tuổi thanh xuân. Trong số đó, Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam đã trở thành 'địa chỉ đỏ' thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân đến tham quan, tri ân và tưởng nhớ sự hy sinh của các Mẹ cho độc lập, tự do của Tổ quốc.
Chiến tranh đã qua đi nhưng nỗi đau vẫn còn đọng lại. Hậu quả của chiến tranh rồi sẽ dần được khắc phục, song sự mất mát của những bà mẹ là vết thương lòng khó lành. Những người Mẹ đưa tiễn chồng, con lên đường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc với khát vọng đoàn viên, song nhiều người đã vĩnh viễn không trở về, chưa kịp khô dòng lệ, Mẹ lại nén đau thương để người con khác lên đường chiến đấu. Bản thân các mẹ còn là những chiến sĩ mưu trí, anh dũng, âm thầm lập chiến công, không ngại gian khổ, nguy hiểm, không bị khuất phục trước sự tra tấn tàn độc của kẻ thù.
“Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” là danh hiệu mà Nhà nước ta tặng hoặc truy tặng những người phụ nữ Việt Nam có nhiều cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế.
Nhằm tri ân tưởng nhớ hơn 127.000 người Mẹ Việt Nam Anh hùng trên cả nước, những người đã hy sinh thầm lặng, hiến dâng những người chồng, người con yêu quý của mình vì nền hòa bình, độc lập của dân tộc, Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng đã được xây dựng. Công trình tọa lạc tại núi Cấm, thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, trên diện tích 24ha, cách sân bay quốc tế Đà Nẵng 65km, Di sản văn hóa thế giới Hội An 45km về phía Nam, cách sân bay Chu Lai 35km về phía Bắc, là công trình văn hóa được lựa chọn từ phác thảo của họa sĩ Đinh Gia Thắng.
Khối tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng
Hạng mục chính của công trình là khối tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng được lấy chân dung nguyên mẫu của Mẹ Nguyễn Thị Thứ. Toàn bộ khối tượng Mẹ Việt Nam Anh hùng được xây dựng từ các tảng đá granit nguyên khối được ghép lại với nhau, tổng trọng lượng cả đá và bê tông khoảng 20.000 tấn. Tượng Mẹ có hình dáng như một ngọn núi nhô cao ở giữa và thoải dần ở hai bên. Hai bên vách là hình ảnh gương mặt những người con thấp thoáng theo phương pháp nghệ thuật gợi tả cho ta hình ảnh về một đất nước hòa bình thống nhất, con cháu mọi miền Bắc - Trung - Nam sum vầy quanh mẹ hiền, luôn hướng về mẹ với tình cảm trìu mến, thương yêu và mẹ như đang dang rộng vòng tay chào đón, ôm ấp các con vào lòng mẹ.
Hồ nước lớn trước Tượng có diện tích gần 1.000m2 thiết kế theo hình bán nguyệt nhằm tạo nên sự hòa quyện giữa sơn - thủy. Những làn nước trong vắt chảy lặng lẽ từ các vách đá xung quanh thân mẹ xuống các tầng hồ với ý nghĩa thể hiện sự hiến dâng âm thầm của mẹ đối với các con, đối với Tổ quốc. Tình cảm đó như bát nước đầy không bao giờ vơi.
8 trụ huyền thoại
8 trụ huyền thoại tại Quảng trường Tiền Môn với những khắc họa hình ảnh về người Mẹ Bắc Bộ hiền lành, phúc hậu; Mẹ Nam Bộ kiên trung, bất khuất; Mẹ Trung Bộ tần tảo nắng mưa; Mẹ Tây Nguyên tuy cái bụng không no nhưng vẫn để dành từng miếng cơm, trái bắp, củ khoai… cho bộ đội; hình ảnh những cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại… Mỗi trụ có chiều cao 11,2m, đường kính 1,65m được xây dựng từ các tảng đá granit nguyên khối ghép lại với nhau và tổng trọng lượng của 8 trụ biểu là 1.500 tấn.
8 trụ được chia đều hai bên, mỗi bên 4 trụ như là cổng ảo của toàn bộ Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng. Con số 8 mang ý nghĩa của sự phồn vinh, sung túc, sự đoàn tụ tốt đẹp và đó còn tương ứng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ đã trao tặng cho phụ nữ Việt Nam “anh hùng - bất khuất - trung hậu - đảm đang”.
Hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Mẹ Việt Nam Anh hùng
Trang sử vẻ vang ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc ta in đậm công lao lớn của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, người phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò, vị thế quan trọng trong đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc, cũng như trong quá trình hình thành và phát triển của đất nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: Trong hàng ngũ vẻ vang những Anh hùng Quân đội, Anh hùng Lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước... Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các Bà Mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại.
Ngay bên trái của Tượng đài Mẹ là không gian trưng bày những hình ảnh, tư liệu, hiện vật về Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đây là nơi tri ân và lưu giữ những hình ảnh, tư liệu của hơn 127 nghìn Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Bên cạnh những hình ảnh tư liệu còn có những hiện vật gắn liền với đời sống, gắn liền với những câu chuyện, kỳ tích của những bà mẹ và người phụ nữ Việt Nam anh hùng, tiêu biểu cho các dân tộc Việt Nam.
Trong hai cuộc kháng chiến, hình tượng mẹ đào hầm bí mật, mẹ cùng chồng, con nuôi giấu cán bộ, du kích, bộ đội. Với gánh hàng rong trên vai, mẹ xuôi ngược khắp phố phường, vừa buôn bán, vừa nắm bắt thông tin, vừa làm liên lạc cho cách mạng. Mẹ tiếp tế từng nắm cơm, cái bánh, củ khoai cho cán bộ, chiến sĩ. Nhiều hiện vật cũng được khắc họa sinh động trong không gian trưng bày như: chiếc nồi đồng dùng nấu cơm, đun nước hàng ngày tiếp tế cho chồng con đánh giặc, là ô trầu, ống ngoáy, lọ hoa mẹ nhang khói cho chồng, con đã hy sinh... Tất cả làm nên chân dung của những người mẹ Việt Nam giàu lòng nhân ái, yêu nước thiết tha, bình dị, bao dung và rất đỗi anh hùng.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ - hình tượng tiêu biểu về đức hy sinh
Mẹ Nguyễn Thị Thứ (1904 - 2010) sinh tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam là Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng tiêu biểu cho các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng bởi Mẹ đã tận hiến cho Tổ quốc 9 người con ruột thịt, 1 người con rể và 2 cháu ngoại.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, 4 người con của Mẹ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường. (Trong cùng năm 1948, Mẹ lần lượt nhận tin ba con trai hy sinh). 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, 5 người con của Mẹ cũng lần lượt ngã xuống. Thật khó mà giải mã để hiểu hết sức chịu đựng phi thường của một người mẹ.
Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Trị (con gái đầu của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thứ) từng hồi tưởng: “... Lúc Mẹ còn sống, mỗi khi tới kỳ giỗ chạp của các con hay ngày Tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ, Mẹ thường lọ mọ chống gậy tìm đến bàn thờ thắp 9 ngọn nến, 9 nén hương và xếp 9 cái bát, 9 đôi đũa bên mâm cơm để gọi các con về với Mẹ... Lại có những đêm thiếp đi trong cơn mê, Mẹ như thấy các con về, Mẹ choàng tỉnh dậy, nước mắt lưng tròng đến trước bàn thờ gọi tên từng người con yêu quý và thắp 9 nén hương để tưởng nhớ các con...”.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh từng viết: “Mẹ đã tiếp thêm nghị lực cho chúng con vững bước! Mẹ là Mẹ Việt Nam!”. Chính điều này đã tạo ra sự xúc động sâu sắc cho những ai biết đến Mẹ từng bước qua sự nghiệt ngã của chiến tranh và trở thành huyền thoại bất tử, mãi ngời sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
*Tư liệu: BQL Quần thể Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng tại Quảng Nam