Quần thể Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới
Ngày 12/7, tại kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO), Chủ tịch kỳ họp đã chính thức gõ búa công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc với Phật giáo Trúc Lâm làm cốt lõi được thành lập vào thế kỷ 13 bởi các vua nhà Trần, đặc biệt là vai trò của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phật giáo Trúc Lâm đã tạo nên nhiều giá trị, đóng góp đặc biệt, bền vững cho di sản văn hóa và tinh thần của nhân loại.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới theo các tiêu chí. Đây là bằng chứng cho sự kết hợp độc đáo giữa nhà nước, tôn giáo và nhân dân trong việc hình thành bản sắc dân tộc Việt Nam.

Danh thắng Yên Tử cùng với di tích Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc được công nhận Di sản Thế giới. Ảnh: Thanh Tùng
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, hồ sơ đã được tỉnh Quảng Ninh chủ trì xây dựng một cách công phu, bài bản với chất lượng cao.
Sau nhiều năm nỗ lực, di sản đã chính thức được quốc tế công nhận, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục xây dựng và triển khai đề án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản, nhằm bảo đảm tính bền vững, lan tỏa sâu rộng giá trị cao quý của di sản thế giới.
Thời khắc được ghi danh là một niềm tự hào lớn không chỉ đối với chính quyền và nhân dân 3 địa phương Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Phòng mà còn đối với nhân dân cả nước.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử, Vĩnh Nghiêm, Côn Sơn, Kiếp Bạc là di sản thế giới dạng chuỗi đầu tiên, đồng thời là di sản liên tỉnh thứ 2 trong số 9 di sản thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận.