Quận Thủ Đức, TP.HCM: Cần làm rõ nguồn gốc thửa đất bị tranh chấp gần 20 năm
Vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM kéo dài hàng chục năm, đã được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm ngày 17/9/2019 tại TAND quận Thủ Đức, TP.HCM. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 8/2020.
Theo đó, vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất tại phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP.HCM giữa nguyên đơn là bà Huỳnh Thị Bé (SN 1950) và bị đơn là bà Nguyễn Thị Kim Măng (SN 1957) kéo dài hàng chục năm, đã được đưa ra xét xử phiên sơ thẩm ngày 17/9/2019 tại TAND quận Thủ Đức, TP.HCM. Dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 8/2020.
Theo lời khai tại tòa của nguyên đơn tại phiên tòa sơ thẩm, bà Bé cho biết, nguồn gốc phần đất tranh chấp có diện tích 1.1.20m2 thuộc thửa đất số 901, tờ bản đồ số 1 tọa lạc tại phường Trường Thọ do bà khai phá từ năm 1975, được kê khai nhà đất hai lần vào các năm 1984 và 1999, sử dụng liên tục đến năm 2003 thì bị bà Măng chiếm giữ và sử dụng cho đến nay.
Trước đó năm 1991, bà Nguyễn Thị Kim Măng cho rằng thửa đất này thuộc đất của gia tộc họ Nguyễn mà cha bà là ông Nguyễn Văn Cương là trưởng họ, nên yêu cầu bà Bé trả đất. Tuy nhiên sau đó bà Bé tìm hiểu thì được biết, căn cứ văn bản số 14618 ngày 20/12/2003 của Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất TP.HCM, thửa đất số 901, tờ bản đồ số 1 hiện nay bao gồm 4 thửa đất 145, 146, 148, 172 của chế độ cũ xác lập, theo đó, trích sao sổ địa bộ, thửa 145 đứng tên Nha thương cảng Sài Gòn, các thửa 146, 148 đứng tên Nguyễn Văn Kỷ (cha ruột ông Nguyễn Văn Cương), đã tuyên truất hữu để thiết lập khu Kỹ nghệ và Giang cảng Thủ Đức, thửa 172 diện tích 1.120m2 đứng tên Nguyễn Văn Thảo, đã tuyên truất hữu để thiết lập khu Kỹ nghệ và Giang cảng Thủ Đức.
Cũng theo Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, căn cứ sổ mục kê ruộng đất theo Chỉ thị 299/TTg, do UBND xã Phước Long (trước đây) lập ngày 22/8/1984, được UBND Quận Thủ Đức phê duyệt ngày 27/11/1984, ghi rõ, thửa số 901, diện tích 1.120m2 (thuộc thửa 172 cũ) đứng tên bà Huỳnh Thị Bé. Như vậy theo bà Bé, phần đất bà khai phá từ năm 1975 không hề thuộc về dòng họ Nguyễn. Năm 1999, bà Bé tiếp tục tiến hành kê khai đăng ký nhà đất 1999 theo quy định.
Ngoài ra, căn cứ vào các văn bản số 04 ngày 07/12/2001 của Thanh tra quận Thủ Đức, văn bản số 14 ngày 07/01/2002 và số 712 ngày 27/5/2002 của UBND Quận Thủ Đức xác nhận, “theo tài liệu chế độ cũ thuộc số địa bộ 172 tờ thứ 3, thửa đất 1.100m2 loại đất trồng hoa màu do ông Nguyễn Văn Thảo đứng bộ (không phải của gia tộc bà Nguyễn Thị Kim Măng)”.
Tuy nhiên từ năm 2003, bà Măng vào tự ý san ủi đất rồi cho nhiều người thuê mặt bằng làm quán ăn uống và chiếm giữ đất của bà Bé cho đến nay. Vì vậy bà Bé khởi kiện đòi quyền lợi. Căn cứ văn bản số 1852 của UBND Quận Thủ Đức ngày 06/7/2015, theo bản đồ áp ranh số 17474 ngày 25/12/2010 của Trung tâm đo đạc bản đồ lập, diện tích đất tranh chấp chỉ còn 915.1m2, phần còn lại 45,8m2 đã bị thu hồi giải tỏa phục vụ Dự án mở rộng lộ giới xa lộ Hà Nội trên địa bàn Quận Thủ Đức, tình tiết này cũng được khẳng định tại Biên bản bồi thường của Hội đồng bồi thường thiệt hại giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức lập ngày 21/10/2013, tổng số tiền được bồi thường là 335.897.200 đồng, do có tranh chấp nên UBND quận Thủ Đức đang giữ.
Cũng tại phiên tòa sơ thẩm, bị đơn Nguyễn Thị Kim Măng cho rằng phần đất tranh chấp có nguồn gốc từ ông cố nội để lại cho gia đình, sử dụng từ trước năm 1975, sau năm 1975 có cho bà Bé mượn 400m2, căn cứ theo đơn xác nhận do bà Bé viết tay (nhưng không ghi ngày tháng năm xác lập). Việc mượn này đã kết thúc năm 1991 và bà Bé không còn sử dụng cho đến nay, trong khi đó, gia đình bà có quá trình sử dụng liên tục ổn định và thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho nhà nước.
Tòa án nhân dân quận Thủ Đức nhận định, phần đất mà các đương sự hiện đang tranh chấp là 915,1m2, thuộc thửa đất số 901 tọa lạc tại khu phố 6, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà Huỳnh Thị Bé có tên trong sổ đăng ký ruộng đất ngày 22/8/1984, nhưng hiện nay do bà Nguyễn Thị Kim Măng trực tiếp quản lý và cho thuê. Tòa án đã giải thích và động viên bà Măng cho tiến hành đo vẽ và xem xét, thẩm định tại chỗ để làm cơ sở cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, khách quan, đúng pháp luật nhưng bà Măng không đồng ý nên không thực hiện được.
Hội đồng xét xử cho rằng, do bà Bé đã viết giấy tay trả lại đất cho cha bà Măng, phần đất bà Bé khai phá nhưng không sử dụng liên tục, ngoài ra không thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước phần đất đã kê khai, trong khi đó, phần đất đang tranh chấp có nguồn gốc từ ông cố nội bà Nguyễn Thị Kim Măng khai phá sử dụng liên tục, có thực hiện nghĩa vụ thuế với nhà nước, do đó, yêu cầu khởi kiện của bà Huỳnh Thị Bé đòi bà Nguyễn Thị Kim Măng trả lại thửa đất 901 có diện tích 915,1m2 là không có cơ sở, Tòa tuyên án không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Huỳnh Thị Bé. Bà Bé sau đó đã kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân TP.HCM, dự kiến phiên tòa phúc thẩm sẽ được đưa ra xét xử vào cuối tháng 8/2020.
Theo Luật sư Nguyễn Hồng Vàng - Đoàn Luật sư TP.HCM, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huỳnh Thị Bé, cần làm rõ nguồn gốc đất tranh chấp giữa bà Bé và bà Măng, theo Luật sư Vàng, phần đất tranh chấp thuộc thửa 901 tới thời điểm hiện tại có hai chủ thể quản lý sử dụng ổn định qua hai mốc thời gian tương đương: vợ chồng bà Bé khai hoang, quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1975 cho đến năm 2003, có kê khai vào các năm 1984 và 1999.
Năm 1991 bà Măng đòi đất nhưng thực tế không quản lý sử dụng, đến năm 2003 thì cho nhiều người thuê, sử dụng đất làm hàng quán, thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước cho đến nay. Việc đóng thuế này cũng cần vào cuộc để làm rõ bà Măng đóng thuế cho phần diện tích bao nhiêu ? Và làm rõ vì sao gia đình bà Măng được đóng thuế cho phần đất thửa 901 trong khi người đứng tên là bà Huỳnh Thị Bé, khi Tòa yêu cầu cung cấp chứng cứ xác nhận đóng thuế thì bà Măng ko đưa được giấy tờ cụ thể, chỉ đưa được giấy xác nhận đã nộp thuế của Phường Trường Thọ.
Ngoài ra, có sự khác biệt về diện tích tranh chấp khi bà Măng căn cứ vào giấy trả đất của bà Bé để đòi đất nhưng trên biên bản, diện tích trả chỉ có 400m2, trong khi hiện bà Măng đòi quyền lợi toàn bộ 915,1m2 của thửa 901. Từ các căn cứ, hồ sơ, nguồn gốc tài liệu thu thập được nêu trên, Luật sư Vàng đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân TP.HCM lưu tâm đến những căn cứ này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của bà Huỳnh Thị Bé.