Quân tình nguyện Việt Nam tại Lào: Biểu tượng của tình đoàn kết bền chặt giữa hai nước
Cách đây 70 năm, ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định tổ chức hệ thống riêng các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào, lấy danh nghĩa là quân tình nguyện.
Đây là mốc lịch sử đánh dấu bước phát triển và trưởng thành của các lực lượng quân sự trên chiến trường Lào, khẳng định đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng ta trong thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Điều này cũng thể hiện tính tất yếu của liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung, Việt Nam - Lào nói riêng và là tình cảm, mong muốn chung của nhân dân 2 nước Việt Nam và Lào.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giành độc lập của nhân dân Lào, các chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam đã kề vai sát cánh cùng với các cán bộ, chiến sỹ quân giải phóng nhân dân Lào và nhân dân các dân tộc Lào tiến hành cuộc kháng chiến anh dũng, bền bỉ trên tinh thần đồng cam cộng khổ, sống chết có nhau. Họ không chỉ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác mà còn là lực lượng làm công tác dân vận giỏi.
Vượt qua biết bao khó khăn gian khổ, lực lượng quân tình nguyện đã giúp bạn gây dựng cơ sở chính trị; xây dựng, củng cố lực lượng vũ trang và các căn cứ cách mạng; phát triển chiến tranh nhân dân đáp ứng yêu cầu kháng chiến. Với sự trợ giúp của quân tình nguyện Việt Nam, quân đội và nhân dân các bộ tộc Lào đã chiến đấu và từng bước đánh bại các cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Hàng vạn cán bộ, chiến sĩ trong tổng số gần 460 nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam tham gia chiến đấu trên chiến trường Lào đã anh dũng hy sinh và nằm lại trên đất bạn. Sự hy sinh đó đã góp phần xây dựng chiến trường Lào thành chiến trường phối hợp với các hướng chiến trường khác, góp phần vào thắng lợi chung của cách mạng 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.
Lịch sử quân tình nguyện Việt Nam cũng khẳng định trên thực tế câu nói của Bác Hồ: “Sự thật là chưa tìm ra chữ gì thay thế chữ “giúp”, chứ thực ra không phải là giúp mà là nghĩa vụ quốc tế, giúp nhân dân nước bạn là tự giúp mình”. Bác còn nhấn mạnh tình hình Lào liên quan mật thiết đến tình hình Việt Nam: “Nước Lào có được giải phóng thì Việt Nam mới được giải phóng”.
Đơn cử một ví dụ về những đóng góp to lớn của Đảng, Chính phủ, nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng Lào đối với sự sống còn của tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn. Từ lúc mới hình thành cho đến khi kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đường Hồ Chí Minh chủ yếu đi trên đất Lào với chiều dài hơn 1.000km. Chính sự ra đời và hoạt động của tuyến đường này đã tạo nên một kỳ tích anh hùng, một yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi lịch sử của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ.
Nhìn lại chặng đường 70 năm, có thể khẳng định lịch sử các đoàn quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu, hy sinh trên đất bạn Lào đã trở thành biểu tượng của tình hữu nghị đời đời bền chặt của hai nước, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Volachith từng nói: “Hình ảnh những người cha, người mẹ Việt Nam và Lào tiễn đưa những người con yêu dấu của mình ra tiền tuyến; hình ảnh các cán bộ, chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam và bộ đội Lào kề vai sát cánh bên nhau, hiên ngang ra trận, cùng ăn mừng chiến thắng sẽ mãi khắc sâu trong ký ức của nhân dân hai nước chúng ta và sẽ không bao giờ nhạt phai”.
Lịch sử đó đã góp phần xây nên mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, tài sản quý giá của hai dân tộc. Nó giúp chúng ta hiểu rõ thêm rằng, quan hệ Việt - Lào là quy luật mang tính sống còn của hai dân tộc, không phải chỉ có lúc cần mới đến với nhau. Trách nhiệm của các thế hệ Việt Nam và Lào là phải trân trọng và gìn giữ tài sản quý báu đó, không để các thế lực thù địch chia rẽ, chống phá. Đúng như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu, chúng ta cũng nguyện giữ gìn, bảo vệ mối quan hệ Việt-Lào như giữ gìn con ngươi của mắt mình, để mối quan hệ Việt - Lào mãi mãi vững bền hơn núi hơn sông”.