Quan trắc tự động: Góp phần kiểm soát điểm 'nóng' về môi trường
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, kịp thời đánh giá, nhận định chất lượng không khí, nguồn nước để có biện pháp xử lý, Thái Nguyên đã tăng cường lắp đặt các trạm quan trắc không khí, quan trắc nước thải tự động, bổ sung các điểm quan trắc định kỳ.
Trước năm 2020, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 trạm quan trắc không khí tự động được đặt ở phường Trung Vương (TP. Thái Nguyên) và 3 trạm quan trắc nước mặt tự động ở khu vực hồ Núi Cốc, trên sông Cầu, sông Công. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng tiến hành quan trắc không khí ở 30 điểm, quan trắc nước mặt và các nguồn thải ở 60 điểm.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số lượng các trạm quan trắc không khí, nguồn nước tự động và điểm quản trắc định kỳ còn khá ít so với yêu cầu thực tế nên khó có thể đánh giá chuẩn xác diễn biến chất lượng không khí, nguồn nước trên địa bàn toàn tỉnh.
Vì vậy, khi thực hiện Đề án “tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025”, tỉnh đã đầu tư lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc không khí tự động tại các phường Quan Triều, Trung Thành (TP. Thái Nguyên) và phường Mỏ Chè (TP. Sông Công); lắp đặt thêm 3 trạm quan trắc nguồn nước, nâng tổng số trạm quan trắc tự động nguồn nước trên địa bàn tỉnh lên 6 trạm. Đồng thời bổ sung 13 điểm quan trắc không khí định kỳ (nâng lên tổng số 43 điểm lấy mẫu) và bổ sung 19 điểm quan trắc nước mặt (nâng tổng số lên 79 điểm lấy mẫu).
Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát sinh nguồn thải có nguy cơ ô nhiễm, thuộc trường hợp phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động, cơ quan chức năng của tỉnh cũng tăng cường tuyên truyền, đôn đốc và yêu cầu các đơn vị này thực hiện nghiêm túc.
Đến nay, có 7 cơ sở đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động theo yêu cầu, như: Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo; Khu công nghiệp Yên Bình; Khu công nghiệp Điềm Thụy A… (tăng 4 cơ sở so với năm 2020).
Bên cạnh đó, 14 cơ sở lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động (tăng 11 cơ sở so với năm 2020), như: Công ty Xi măng Quang Sơn; Công ty Xi măng La Hiên; Công ty Xi măng Quán Triều; Công ty CP DongWha Việt Nam….
Anh Hoàng Hà, cán bộ phụ trách bộ phận an toàn, môi trường, Công ty CP DongWha Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Công II), chia sẻ: Doanh nghiệp thuộc diện phải lắp hệ thống quan trắc khí thải tự động, tất cả các dữ liệu đều được truyền trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường. Trong các hoạt động sản xuất có phát sinh nguồn thải thì việc lắp đặt hệ thống quan trắc động sẽ giúp phát hiện các yếu tố bất thường về môi trường, khi chỉ số các chất thành phần gây ô nhiễm cao hơn so với quy chuẩn cho phép, từ đó doanh nghiệp và các cơ quan chức năng kịp thời phát hiện để xử lý.
Việc bổ sung các trạm quan trắc và địa điểm lấy mẫu đã và đang cho thấy hiệu quả, kịp thời cập nhập dữ liệu về chất lượng môi trường không khí, nguồn nước trên địa bàn tỉnh. Theo đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), kết quả từ hệ thống quan trắc tự động và các điểm quan trắc định kỳ cho thấy, chất lượng môi trường không khí, nguồn nước trên địa bàn tỉnh cơ bản đảm bảo an toàn, các chất thành phần gây ô nhiễm nguồn nước, không khí nằm trong quy chuẩn cho phép.
Một số địa bàn có tỷ lệ che phủ rừng lớn, mức độ xây dựng ít thì môi trường không khí, nguồn nước có chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, vào mùa khô, ở một số địa phương, như: Khu vực TP. Thái Nguyên; TP. Sông Công và địa điểm có lưu lượng phương tiện giao thông lớn xuất hiện tình trạng bụi mịn vượt quy chuẩn.
Bên cạnh đó, vùng hạ lưu sông Công có tình trạng ô nhiễm nguồn nước do chất thải chăn nuôi phát sinh… Thông qua dữ liệu của các trạm quan trắc, cơ quan chức năng của tỉnh đã kịp thời phát hiện các khu vực, địa điểm ô nhiễm. Từ đó đưa ra biệp pháp khắc phục, xử lý, không để xuất hiện điểm “nóng” về môi trường.