Quản trị điểm hạn chế (TOC) - Mô hình quản trị mới tại Công ty cổ phần Trúc Thôn
Mô hình Quản trị điểm hạn chế (TOC) có những ưu điểm vượt trội so với mô hình quản trị trước đây, thể hiện ở qui trình thực hiện đơn giản, hiệu quả có thể nhận diện được ngay khi điểm yếu của hệ thống được khắc phục.
Công ty cổ phần Trúc Thôn là một trong những cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hàng đầu ở các tỉnh phía Bắc với mạng lưới phân phối sản phẩm rộng khắp cả nước. Trong quá trình hơn 50 năm xây dựng và phát triển, Công ty đã áp dụng nhiều mô hình quản trị khác nhau nhằm tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm để giữ vững vị trí trên thị trường.
Vừa qua, ban lãnh đạo Công ty có cuộc làm việc với đại diện Trường Đại học Kinh tế quốc dân để nghe giới thiệu mô hình quản trị mới đang được áp dụng nhiều ở các nước phương tây - Mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC). Đó cũng là nội dung của đề tài “Nghiên cứu, xây dựng, phổ biến, hướng dẫn áp dụng Mô hình Quản trị điểm hạn chế (TOC) để nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp Việt Nam” nằm trong Chương trình quốc gia "Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” do PGS.TS. Tạ Văn Lợi - Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân làm chủ nhiệm.
Đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo Công ty Trúc Thôn được nghe giới thiệu về mô hình quản trị điểm hạn chế. Tuy nhiên, đại diện công ty cho biết là việc tìm hiểu thêm mô hình quản trị mới có ý nghĩa rất quan trọng, giúp công ty có thêm cơ hội cải thiện một vài tồn tại để tăng năng suất trong thời gian tới.
Nguồn: PGS. TS Tạ Văn Lợi (người đứng phát biểu) làm việc với Công ty CP Trúc Thôn về mô hình quản trị điểm hạn chế (TOC)
Mô hình điểm hạn chế được Eliyahu M. Goldratt (1984) lần đầu tiên giới thiệu với nội dung cốt lõi là thực hiện cải tiến liên tục với cách thức tập trung vào xác định và quản lý các mặt hạn chế trong tổ chức nhằm đạt được mục tiêu tổng thể. Điểm mấu chốt của mô hình quản trị mới này là tìm ra điểm yếu nhất trong hoạt động của doanh nghiệp, tìm cách khắc phục để giúp toàn bộ hệ thống vận hành có hiệu quả, tối ưu hóa nguồn lực, giảm chi phí, tăng năng suất và từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Cụ thể, qui trình xác định điểm hạn chế gồm 5 bước:
- Nhận diện điểm hạn chế - yếu tố quan trọng nhất trong quản trị điểm hạn chế và là cơ sở cho việc thực hiện các bước tiếp theo.
- Khai thác điểm hạn chế - tập trung xử lý điểm hạn chế đã nhận diện được ở bước trên.
- Đồng bộ hóa với điểm hạn chế - ràng buộc các khâu giúp đồng bộ hóa với điểm hạn chế đã được xử lý.
- Nâng cao hiệu suất điểm hạn chế - cải thiện năng suất ở mức cao hơn.
- Lặp lại quy trình và cải tiến liên tục - tìm ra điểm hạn chế mới ảnh hưởng tới năng suất của hệ thống.
Trên thực tế, các doanh nghiệp đều tồn tại những điểm hạn chế hay nói cách khác là điểm yếu cần phải khắc phục để tăng hiệu quả hoạt động của mình. Mô hình quản trị mới này có những ưu điểm vượt trội so với mô hình quản trị trước đây, thể hiện ở qui trình thực hiện đơn giản, hiệu quả có thể nhận diện được ngay khi điểm yếu của hệ thống được khắc phục.
Sau khi nghe đại diện phía Trường Đại học Kinh tế quốc dân giải thích qui trình vận hành mô hình quản trị mới, đại diện Công ty Trúc Thôn đã có những chia sẻ về hoạt động thực tiễn sản xuất - kinh doanh và cùng với đoàn công tác tiến hành ngay việc tìm ra những hạn chế trong qui trình vận hành của mình. Đặc biệt, ban lãnh đạo Công ty cũng mong muốn Trường Đại học Kinh tế quốc dân tiếp tục hỗ trợ xây dựng và vận hành mô hình quản trị mới để cải thiện năng suất và hiệu quả hoạt động của Công ty Trúc Thôn trong thời gian tới.
Hoàng Hương Giang
Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội