Quản trị quyết định thành công trung tâm tài chính

Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM cần một cơ chế quản trị minh bạch, hiệu quả để đảm bảo năng lực cạnh tranh.

Cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch là một trong những yếu tố quyết định thành công của trung tâm tài chính tại Đà Nẵng và TP.HCM. Ảnh: Hoàng Anh

Cơ chế quản trị hiệu quả, minh bạch là một trong những yếu tố quyết định thành công của trung tâm tài chính tại Đà Nẵng và TP.HCM. Ảnh: Hoàng Anh

Tháng 11/2024, Bộ Chính trị đã thông qua đề xuất phát triển hai trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM từ nay đến năm 2035. Quyết định này được đánh giá là một bước đi táo bạo nhằm định vị Việt Nam trên thị trường tài chính khu vực và thế giới.

TS. Andreas Baumgartner, Giám đốc điều hành Viện Metis, cho biết, kinh nghiệm thế giới chỉ ra, nhiều trung tâm tài chính thế hệ mới như Dubai, Abu Dhabi đã phát huy tốt vai trò tạo điều kiện phát triển công nghệ tài chính, tạo sân chơi cho doanh nghiệp, startup, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia và khu vực.

Tuy nhiên, cũng có không ít mô hình trung tâm tài chính gặp khó khăn, thậm chí là thất bại. Một trong những yếu tố tạo nên sự khác biệt, quyết định thành bại của trung tâm tài chính, theo ông Andreas Baumgartner, nằm ở cơ chế quản trị.

Cụ thể, vị lãnh đạo Viện Metis cho biết, trung tâm tài chính quốc tế cần có một môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch, đáng tin cậy, với những yếu tố như khung pháp lý có thể dự đoán được và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Qua đó, doanh nghiệp có thể tự tin hoạt động vì biết rằng các khoản đầu tư sẽ được bảo vệ, những tranh chấp sẽ được giải quyết một cách công bằng.

Đảm bảo được điều này, cơ chế quản trị của trung tâm tài chính cần phải hội tụ đủ ba chức năng chính. Thứ nhất là quản lý hướng đến phát triển. Thứ hai, có quy định điều tiết các dịch vụ tài chính. Thứ ba, có cơ chế giải quyết tranh chấp khi phát sinh.

Kinh nghiệm quản trị trung tâm tài chính quốc tế

Tại Dubai, một mô hình trung tâm tài chính thành công, có ba cơ quan riêng biệt phụ trách ba chức năng quản trị. Trong đó, Cơ quan quản lý trung tâm tài chính quốc tế Dubai (DIFCA) đảm nhiệm phát triển khu vực, dịch vụ, quảng bá trung tâm tài chính, quản lý bất động sản và hoạt động đăng ký doanh nghiệp hoạt động,

Cơ quan dịch vụ tài chính Dubai (DFSA) chịu trách nhiệm cung cấp giấy phép dịch vụ tài chính, điều tiết dịch vụ tài chính theo hướng đảm bảo tuân thủ các quy định. DFSA hoạt động với mục đích đảm bảo tính vẹn toàn của trung tâm tài chính Dubai như một trung tâm dịch vụ tài chính được quản lý tốt và có uy tín cao.

TS. Andreas Baumgartner, Giám đốc điều hành Viện Metis.

TS. Andreas Baumgartner, Giám đốc điều hành Viện Metis.

Còn Tòa án trung tâm tài chính quốc tế Dubai đảm nhiệm giải quyết mọi tranh chấp phát sinh trong trung tâm tài chính một cách trung lập.

Cùng nhau, ba cơ quan này tạo ra hệ sinh thái quản trị cho trung tâm tài chính quốc tế Dubai, đem lại sự phát triển không ngừng cho trung tâm này suốt 20 năm qua.

Trong đó, DIFCA và DFSA đều tham gia vào việc cho phép một công ty cung cấp dịch vụ tài chính mới tại trung tâm tài chính. DIFCA, với nhiệm vụ phát triển trung tâm tài chính, sẽ đưa ra các giải pháp đột phá để thu hút doanh nghiệp, còn DFSA hoạt động một cách thận trọng hơn để đảm bảo tuân thủ các quy định.

Mặt khác, việc nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào trung tâm tài chính không chỉ đến từ chính sách của DIFCA mà còn xuất phát từ sự an tâm rằng các tranh chấp sẽ được Tòa án trung tâm tài chính quốc tế Dubai xử lý một cách công bằng và hài hòa.

“Cách tiếp cận ba hướng của trung tâm tài chính quốc tế Dubai đem lại sự rõ ràng, minh bạch và chuyên môn hóa sâu sắc”, ông Andreas Baumgartner nhận xét.

Lựa chọn mô hình giải quyết tranh chấp

Nhìn vào sự thành công của Dubai cũng như một số trung tâm tài chính khác, có thể thấy vai trò của một cơ quan giải quyết tranh chấp là đặc biệt quan trọng. Dubai lựa chọn mô hình thiết lập tòa án dân sự và thương mại riêng cho trung tâm tài chính với sự tham gia của các thẩm phán quốc tế, qua đó xây dựng niềm tin tối đa cho nhà đầu tư quốc tế.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo Viện Metis, thành lập hệ thống tư pháp riêng biệt cho trung tâm tài chính không phải là lựa chọn duy nhất. Tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia, có thể lựa chọn phương án phù hợp với văn hóa, chính trị và pháp lý.

Đối với trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và TP.HCM, theo Nghị quyết số 249 NQ-CP của Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Thông báo số 47-TB/TW của Bộ Chính trị về xây dựng trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, phương án cơ quan giải quyết tranh chấp là thành lập trung tâm trọng tài quốc tế.

Trung tâm trọng tài quốc tế này sẽ trực thuộc trung tâm tài chính, có mô hình như một trung tâm trọng tài thương mại nhưng có một số đặc thù để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp và thi hành phán quyết hiệu quả, nhanh chóng.

Chính sách thành lập trung tâm trọng tài quốc tế thuộc trung tâm tài chính được giao cho Tòa án Nhân dân tối cao và sẽ được quy định chi tiết tại Nghị quyết của Quốc hội về trung tâm tài chính.

Thanh Hồng

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/quan-tri-quyet-dinh-thanh-cong-trung-tam-tai-chinh-d38783.html