Quản trị rủi ro hiệu quả: Trách nhiệm then chốt của hội đồng quản trị

Theo các chuyên gia, hội đồng quản trị cần đánh giá toàn diện và xây dựng chiến lược quản trị rủi ro, thực hành cơ chế giám sát rủi ro hiệu quả. Đồng thời, hội đồng quản trị cần công bố minh bạch về vai trò của mình trong giám sát và đánh giá đối với hệ thống quản trị rủi ro, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững và tạo dựng giá trị dài hạn cho cổ đông.

Quản trị rủi ro đã và đang trở thành một trụ cột thiết yếu trong quản trị công ty hiện đại tại mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Quản trị rủi ro đã và đang trở thành một trụ cột thiết yếu trong quản trị công ty hiện đại tại mỗi doanh nghiệp. Ảnh: Dũng Minh

Một trụ cột thiết yếu trong quản trị công ty

Theo các chuyên gia của Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), hội đồng quản trị (HĐQT) của doanh nghiệp sẽ giữ vai trò trung tâm và cần phát huy vai trò then chốt ấy trong việc định hướng và giám sát chiến lược quản trị rủi ro, giúp doanh nghiệp nâng cao khả năng ứng phó linh hoạt, chủ động trước rủi ro tiềm ẩn…

Các chuyên gia cho biết, theo các chuẩn mực quốc tế như Bộ Nguyên tắc quản trị công ty G20/OECD 2023, HĐQT cần đóng vai trò trung tâm trong việc xem xét và đánh giá các chính sách và quy trình quản lý rủi ro của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, Nguyên tắc 7 của Bộ Nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất cũng khẳng định rõ rằng, HĐQT có trách nhiệm tối hậu đối với khung quản lý rủi ro, cần giám sát việc hình thành và hoạt động của hệ thống kiểm soát nội bộ và các bộ phận kiểm soát của công ty.

Cập nhật các thay đổi pháp lý, áp dụng chuẩn mực quốc tế tốt nhất

Theo các chuyên gia, hội đồng quản trị (HĐQT) cần xác định rõ vai trò giám sát và định hướng chiến lược về quản trị rủi ro, xây dựng văn hóa quản trị rủi ro của doanh nghiệp. Trách nhiệm này đòi hỏi HĐQT phải thường xuyên cập nhật các thay đổi pháp lý, áp dụng những chuẩn mực quốc tế tốt nhất. Ngoài ra, các thành viên HĐQT cũng cần nâng cao hiểu biết về các rủi ro phi tài chính như ESG hay an ninh mạng, đồng thời đảm bảo rằng hoạt động giám sát rủi ro được minh bạch, có trách nhiệm và phản ứng kịp thời với các rủi ro tiềm ẩn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT, Tổng công ty CP Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE) khẳng định, quản trị rủi ro đã và đang trở thành một trụ cột thiết yếu trong quản trị công ty hiện đại tại mỗi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp niêm yết.

Để thực hiện được vai trò then chốt của HĐQT trong định hướng và giám sát chiến lược quản trị rủi ro, theo thông lệ tốt, HĐQT cần chủ động nhìn nhận, đánh giá toàn diện và xây dựng chiến lược quản trị rủi ro, thực hành cơ chế giám sát rủi ro hiệu quả. Đồng thời, HĐQT cần công bố minh bạch về vai trò của mình trong giám sát và đánh giá đối với hệ thống quản trị rủi ro và hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần đảm bảo sự hoạt động ổn định, thúc đẩy phát triển bền vững và tạo dựng giá trị dài hạn cho cổ đông cũng như các bên liên quan.

Trong khi đó, ông Hoàng Đức Hùng - Chủ tịch IIA Việt Nam nhận định, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn tiếp cận quản trị rủi ro theo hướng cảm tính, thiếu hệ thống một cách toàn diện và chưa gắn kết với các mục tiêu chiến lược. Theo ông Hoàng Đức Hùng, khái niệm “quản trị rủi ro” cần được hiểu rộng hơn, bởi không chỉ bao gồm kiểm soát, mà còn là định hướng vận hành doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông Hùng chỉ ra rằng, nhiều doanh nghiệp chưa có ban chiến lược hoặc ban quản lý rủi ro độc lập trong HĐQT. Ở một số đơn vị, chức năng quản lý rủi ro thường được kiêm nhiệm bởi bộ phận kiểm toán, dẫn đến thiếu sự gắn kết với định hướng chiến lược dài hạn.

Để nâng cao hiệu quả, Chủ tịch IIA Việt Nam đề xuất, doanh nghiệp cần xây dựng hệ thống quản trị rủi ro bài bản, có lớp bảo vệ và phương pháp nhận diện rủi ro thống nhất. Đồng thời, khuyến nghị áp dụng mô hình “ba tuyến phòng vệ” - đang được sử dụng rộng rãi trong quản trị toàn cầu - như một khung tham chiếu hiệu quả.

Củng cố vai trò giám sát của hội đồng quản trị

Liên quan đến vai trò của thành viên HĐQT độc lập, ông Hùng cho rằng, ngoài các điều kiện khách quan, yếu tố cốt lõi là kiến thức chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp và hành xử độc lập thực chất. Một trong những rào cản lớn là việc tiếp cận thông tin không đầy đủ, trong khi các áp lực từ cổ đông lớn hoặc các thành viên khác trong hội đồng vẫn tồn tại. Ông đề xuất chuyên nghiệp hóa thành viên độc lập thông qua cấp chứng chỉ hành nghề, ban hành bộ tiêu chuẩn đạo đức và xây dựng khung năng lực cụ thể.

“Dù là thành viên điều hành hay độc lập, tất cả đều phải chịu trách nhiệm bình đẳng trước cổ đông. Tôi kỳ vọng sẽ có những tiền lệ pháp lý để cổ đông, dù chỉ sở hữu 1% cổ phần, có thể khởi kiện nếu phát hiện sai phạm. Rủi ro và trách nhiệm luôn song hành với vai trò HĐQT. Chỉ khi ý thức rõ điều này, mỗi người mới hành xử cẩn trọng và có trách nhiệm hơn” - ông Hùng nhấn mạnh.

Ở góc độ khác, ông Vũ Quang Thịnh - Tổng Giám đốc Quỹ Dynam Capital cho rằng, tại các nước đang phát triển như Việt Nam, giao dịch giữa các bên liên quan luôn tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt trong bối cảnh cơ cấu sở hữu còn tập trung. Các tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực thiết yếu như cấp nước thường có cấu trúc công ty mẹ - công ty con và việc giao dịch nội bộ dễ tạo ra xung đột lợi ích nếu thiếu cơ chế giám sát độc lập.

Theo lãnh đạo Dynam Capital, HĐQT cần thực sự độc lập để đại diện cho lợi ích toàn thể cổ đông, không chỉ nhóm cổ đông lớn. Ông Thịnh cũng chỉ ra rằng, vai trò của ban kiểm soát trong doanh nghiệp vẫn còn mờ nhạt, cả về quyền hạn và hành động. Vì thế, cần quy định rõ hơn quyền phản biện, quyền can thiệp và thiết lập cơ chế hành động cụ thể để ban kiểm soát thực sự phát huy vai trò giám sát. Trong quá trình hoàn thiện thể chế, việc rà soát từng thành viên HĐQT là cần thiết để xây dựng cơ cấu quản trị hiệu quả và hướng tới phát triển bền vững.

Quản trị công ty tốt - yếu tố cốt lõi của phát triển bền vững

Tại sự kiện ra mắt Cẩm nang Quản trị công ty 2025 được tổ chức mới đây, ông Vũ Chí Dũng - Trưởng Ban Pháp chế và Đối ngoại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, nhận thức về vai trò và lợi ích của quản trị công ty tốt ngày càng được nâng cao trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và cả doanh nghiệp niêm yết nói riêng. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cùng với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), với sự hỗ trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO), cập nhật và tái bản cuốn Cẩm nang Quản trị công ty - ấn bản 2025 với những kiến thức, kinh nghiệm quốc tế và thông lệ tốt nhất về quản trị công ty, so sánh với thực tế ở Việt Nam giúp cho các công ty đại chúng có định hướng, nâng cao hiểu biết và cải thiện tình hình quản trị công ty của mình.

Còn ông Andri Meier - Phó Trưởng Cơ quan Hợp tác phát triển Đại sứ quán Thụy Sỹ tại Việt Nam, chia sẻ rằng Thụy Sỹ có bề dày kinh nghiệm trong thực hành quản trị công ty, đặc biệt về tuân thủ và minh bạch. Thực hành quản trị công ty tốt giúp doanh nghiệp ứng phó tốt hơn với khủng hoảng, đồng thời gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế. Đây chính là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế Việt Nam tránh bẫy thu nhập trung bình và tiến tới tăng trưởng bền vững.

Được biết, trong năm 2025, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước với sự hỗ trợ của IFC-SECO sẽ xem xét nâng cấp Bộ Nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất của Việt Nam (VN CG Code), để định hướng cho các doanh nghiệp đại chúng thực hành quản trị công ty tiệm cận với chuẩn của ASEAN và Bộ Nguyên tắc quản trị công ty G20/OECD 2023. Tiêu chuẩn quản trị cao cần trở thành nền tảng quan trọng của thị trường vốn Việt Nam, đóng vai trò là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế liên tục của đất nước.

Hồng Quyên

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/quan-tri-rui-ro-hieu-qua-trach-nhiem-then-chot-cua-hoi-dong-quan-tri-174909.html