Quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Sáng ngày 28/11, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến đến các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phổ biến, quán triệt Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở và các văn bản có liên quan.
Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đồng Tháp, có ông Phan Hữu Phước – Giám đốc Sở Nội vụ, lãnh đạo và công chức các sở, ban, ngành tỉnh được giao theo dõi thực hiện công tác dân chủ. Hội nghị được kết nối đến điểm cầu các huyện, thành phố với sự tham dự của lãnh đạo UBND các địa phương cùng lãnh đạo các phòng chuyên môn, UBND cấp xã và công chức được giao theo dõi thực hiện công tác dân chủ.
Phát biểu khai mạc hội nghị, PGS.TS Triệu Văn Cường – Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong phát huy quyền làm chủ của Nhân dân tại cơ sở, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị… Do đó, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị này để phổ biến, quán triệt cho các địa phương, đơn vị nắm được những vấn đề quan trọng của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, nhất là những vấn đề các địa phương, đơn vị còn lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tham dự hội nghị, đại biểu được các báo cáo viên phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 59 ngày 14/8/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị định số 61 ngày 16/8/2023 của Chính phủ quy định về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có 91 điều quy định về nội dung, cách thức thực hiện dân chủ cơ sở, quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ cơ sở và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở.