Quán triệt quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo (Phần 1): Chủ động nhận diện những chiêu trò lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm phá hoại sự nghiệp đổi mới ở tỉnh Thanh Hóa hiện nay

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý, điều hành có hiệu quả của HĐND, UBND tỉnh Thanh Hóa, Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trên cơ sở quán triệt quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về tôn giáo, đã chủ động nhận diện, phòng ngừa và kiên quyết đấu tranh với những âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, cũng như những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật; đặc biệt hiện nay, chúng đã và đang dở 'chiêu trò xúi giục' để phá hoại Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Trên cơ sở đó, nhằm tuyên truyền, phổ biến và quán triệt để cán bộ và Nhân dân nhận diện được âm mưu, thủ đoạn và hoạt động lợi dụng tôn giáo trong chiến lược 'Diễn biến hòa bình' nhằm chống phá cách mạng của các thế lực thù địch, góp phần thực hiện tốt chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu phần 1: “Quán triệt quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, chủ động nhận diện những chiêu trò lợi dụng tôn giáo để phá hoại sự nghiệp đổi mới ở Thanh Hóa hiện nay”.

1. Quán triệt quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo

Quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tôn giáo thể hiện tập trung trong Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 12-3-2003, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX.

* Về Quan điểm chỉ đạo: Nghị quyết 25 đề ra 5 quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta về tôn giáo, chính sách tôn giáo và công tác tôn giáo:

Một là, tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận Nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng CNXH ở nước ta. Nước ta hiện nay có 16 tôn giáo, với trên 13,2 triệu tín đồ, chiểm khoảng 13,7% dân số, 42 tổ chức tôn giáo; hơn 80 hiện tượng tôn giáo mới; trên 80% dân số có đời sống tâm linh. Tín ngưỡng tôn giáo hiện đang là nhu cầu tinh thần của một bộ phận đông đảo nhân dân, sẽ tồn tại lâu dài cùng dân tộc và cùng với chế độ XHCN ở nước ta. Tuy nhiên, tín ngưỡng tôn giáo đang có những biến đổi mạnh mẽ trước biến động của thế giới, của xu thế toàn cầu và sự phát triển đi lên của đất nước. Vì vậy, quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện: Chủ quan, duy ý chí, phiến diện trong nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo.

Hai là, Đảng và Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc: Đồng bào các tôn giáo là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Do vậy, thực hiện quan điểm này, một mặt phải đoàn kết đồng bào theo những tôn giáo khác nhau; mặt khác, phải đoàn kết đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo, giải quyết tốt mối quan hệ người có tín ngưỡng khác nhau với người theo chủ nghĩa vô thần. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện như phân biệt đối xử, đố kỵ, mặc cảm vì lý do tín ngưỡng tôn giáo và kiên quyết chống ấm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Đây là tư tưởng chỉ đạo quan trọng nói lên thực chất của công tác tôn giáo gắn với mục tiêu là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mục tiêu trên chính là cơ sở để phát huy sự tương đồng, khắc phục sự khác biệt của quần chúng có đạo. Đối tượng của công tác vận động quần chúng bao gồm: tín đồ, chức sắc, nhà tu hành và chức việc trong từng tôn giáo; đồng thời cũng phải vận động quần chúng không có tôn giáo thực hiện chính sách tôn giáo. Công tác vận động quần chúng trong công tác tôn giáo bao gồm: Công tác giáo dục, tổ chức phong trào quần chúng, tổ chức các chương trình phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, cơ sở. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện: Hành chính, quan liêu, cửa quyền, xa rời quần chúng hoặc hữu khuynh theo đuôi quần chúng.

Bốn là,công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Công tác tôn giáo liên quan đến mọi lĩnh vực, mọi mặt của đời sống xã hội, mọi ngành mọi cấp từ Trung ương đến cơ sở. Trong công tác tôn giáo, Đảng là nhân tố lãnh đạo toàn bộ hệ thống chính trị trong quá trình tiến hành công tác; Nhà nước quản lý hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo theo quy định của Hiến pháp, pháp luật; Mặt trận và các đoàn thể nhân dân quán triệt đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về vận động quần chúng thực hiện tốt chính sách tôn giáo. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện: thiếu cộng tác, phối hợp chặt chẽ đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp hoặc buông lỏng quản lý, lấn sân lẫn nhau.

Năm là, vấn đề theo đạo và truyền đạo. Đây cũng là một quan điểm quan trọng nhằm xác định rõ các hoạt động tôn giáo (bao gồm: hành đạo, quản đạo và truyền đạo) đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. Nhà nước bảo hộ chính đạo, đồng thời chống lại tà đạo. Quán triệt quan điểm này cần khắc phục các biểu hiện như can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ thuần túy tôn giáo; buông lỏng quản lý trước các hành vi vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật trong hoạt động tôn giáo.

* Về nhiệm vụ của công tác tôn giáo:Nghị quyết nêu 6 nhiệm vụ là: (1)Thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. (2)Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của nhà nước. (3)Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng cuộc sống "Tốt đời, đẹp đạo" trong quần chúng tín đồ, chức sắc, nhà tu hành ở cơ sở. Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. (4)Phát huy tinh thần yêu nước của đồng bào có đạo, tự giác và phối hợp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để phá hoại đoàn kết dân tộc, chống đối chế độ. (5)Hướng dẫn các tôn giáo thực hiện quan hệ đối ngoại phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; đấu tranh làm thất bại những luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống của các thế lực thù địch bên ngoài đối với tình hình tôn giáo và công tác tôn giáo ở nước ta. (6)Tổng kết việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác tôn giáo. Tăng cường nghiên cứu cơ bản, tổng kết thực tiễn, góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách trước mắt và lâu dài đối với tôn giáo.

* Quan điểm, chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước qua các kỳ Đại hội Đảng từ X - XIII: Sau Nghị quyết 25-NQ/TW ngày 12-3-2003 (khóa IX), quan điểm, chính sách tôn giáo tiếp tục được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng X, XI, XII, XIII. Thực ra, xuyên suốt các kỳ Đại hội của Đảng cộng sản Việt Nam từ đại hội VII đến Đại hội XIII đều có hai quan điểm không thay đổi đó là: (1) tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân; (2) chống việc lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Các kỳ đại hội trên đều thể hiện quan điểm: Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi công dân. Mọi công dân dầu có quyền theo tôn giáo, từ bỏ hoặc thay đổi tôn giáo của mình. Mọi hành vi xâm phạm quyền tự do ấy đều bị xử lý theo pháp luật; không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng trong những hoạt động xã hội. Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, thường xuyên củng cố tình đoàn kết giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo, giữa tín đồ các tôn giáo với nhau, "Giải quyết hài hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai tầng trong xã hội. Bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trong, giúp nhau cùng phát triển. Tập trung hoàn thiện và triển khai thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo; có những chính sách đặc thù giải quyết khó khăn cho đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc."[1]; đồng thời "nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, cản trở sự phát triển của đất nước"[2].

2. Chủ động nhận diện âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta nói chung và sự nghiệp đổi mới của tỉnh Thanh Hóa nói riêng của các thế lực thù địch

Thời gian qua, âm mưu, thủ đoạn và hoạt động lợi dụng tôn giáo trong chiến lược “diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch thường tập trung vào bảy nhóm hoạt động là:

(1) Chúng tìm mọi cách thông qua các đạo luật, nghị quyết nhằm lợi dụng về vấn đề tôn giáo, kết hợp với vấn đề dân chủ, nhân quyền và quốc tế hóa vấn đề tôn giáo để can thiệp, chống phá Việt Nam;

(2) Xúi giục, kích động số phản động người Việt trong các tôn giáo ở nước ngoài tổ chức các hoạt động chống phá ta;

(3) Hỗ trợ, kích động và chỉ đạo số cực đoan tôn giáo trong nước hoạt động chống phá;

(4) Lợi dụng việc khiếu kiện về đất đai, cơ sở vật chất có nguồn gốc tôn giáo và những sơ hở thiếu sót của ta trong giải quyết vấn đề tôn giáo để chống Đảng và Nhà nước ta;

(5) Lợi dụng vấn đề tôn giáo gây ra bạo loạn chính trị và các điểm nóng tôn giáo;

(6) Lợi dụng vấn đề dân tộc kết hợp với vấn đề tôn giáo chống phá ta;

(7) Lợi dụng các hoạt động từ thiện, nhân đạo và sử dụng các tổ chức phi chính phủ (NGO) tôn gáo chống cách mạng Việt Nam.

Đặc biệt là hiện nay, các thế lực thù địch đã và đang dở “chiêu trò xúi giục” rằng: “không biết, không bầu” để phá hoại cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đang đến gần (23/5/2021).

Vì vậy, cần phải tuyên truyền, phổ biến và quán triệt sâu sắc để cán bộ và nhân dân nhận diện được âm mưu, thủ đoạn và hoạt động lợi dụng tôn giáo, kết hợp với vấn đề dn tộc, dân chủ, nhân quyền trong chiến lược "diễn biến hòa bình" nhằm chống phá cách mạng nước ta của các thế lực thù địch; để trên cơ sở đó đề ra giải pháp phù hợp (nội dung này, chúng tôi sẽ giới thiệu ở phần sau - Phần 2).

Vũ Tất Thành

(Khoa Xây dựng Đảng, Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa)

* Tài liệu tham khảo:

1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc các khóa từ: X - XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, H.2001, 2006, 2011 và 2016;

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia, Sự thật, H.2016;

3. Đảng bộ Thanh Hóa: Báo cáo chính trị trình Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2020-2021.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/tu-tuong-dang/quan-triet-quan-diem-chinh-sach-cua-dang-va-nha-nuoc-ve-ton-giao-phan-1-chu-dong-nhan-dien-nhung-chieu-tro-loi-dung-ton-giao-cua-cac-the-luc-thu-dich-nham-pha-hoai-su-nghiep-doi-moi-o-tinh-thanh-hoa-hien-nay/134581.htm