Quán triệt, thực hiện Nghị quyết XIII để phát triển bền vững
Những quyết định của Đại hội XIII phải thành hiện thực sinh động, mang lại giàu có, hạnh phúc cho nhân dân.
Trong hai ngày 27 và 28-3, Ban bí thư triệu tập Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Các ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc, Phan Văn Giang, Tô Lâm đã trình bày các chuyên đề.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp. Các văn kiện của Đảng đã được chuẩn bị rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều vòng, từng bước hoàn thiện có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp, quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi.
Bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám nói, dám làm…”
Trong năm chuyên đề được trình bày thì hai chuyên đề về an ninh - quốc phòng do hai ủy viên Bộ Chính trị là Phan Văn Giang và Tô Lâm đảm nhận.
Ba chuyên đề còn lại do các ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Phạm Minh Chính, Nguyễn Xuân Phúc trình bày có nhiều điểm chung, trong đó vấn đề “bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung” đều được nhấn mạnh.
Trình bày chuyên đề “Những nội dung cốt lõi và những điểm mới trong báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng”, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh: Để thực hiện được các định hướng mà Đại hội XIII đã đề ra, có nhiều nhóm nhiệm vụ. Trong đó có các nhiệm vụ như tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhà nước pháp quyền XHCN và hệ thống chính trị; kiểm tra, giám sát, phòng chống tham nhũng quyết liệt hơn gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật để cán bộ không dám tham nhũng, có cơ chế khuyến khích để cán bộ không muốn tham nhũng.
“Đặc biệt là có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì mục đích chung. Ban bí thư đã bàn và sẽ sớm có quy định về vấn đề này” - ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Ủy viên Bộ Chính trị Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, khi trình bày chuyên đề “Những nội dung cốt lõi trong báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng khóa XII” cũng cho hay cơ chế để bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm… đang cố gắng làm. “Trong chương trình làm việc toàn khóa của Trung ương XIII cũng đưa ra. Trong năm nay (2021), theo phân công của Bộ Chính trị, chúng tôi sẽ báo cáo sớm cái này” - ông Phạm Minh Chính nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh: Không có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung thì đất nước khó phát triển. Thủ tướng cũng nhắc nhở và cho rằng: Kinh nghiệm “cởi trói” hay các cuộc “xé rào” trước đây vẫn còn mãi.
5.192.533 đảng viên tính đến ngày 30-9-2020. Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến ngày 30-9-2020, toàn Đảng đã kết nạp 880.155 đảng viên, tỉ lệ đảng viên trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, người theo tôn giáo ngày càng tăng.
Dân, doanh nghiệp làm được thì Nhà nước thôi
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng thông tin một trong các điều cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII là tiếp tục đẩy mạnh đường lối đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần và quốc phòng an ninh là trọng yếu thường xuyên…
“Làm thế nào để tập đoàn, công ty đóng góp sự phát triển, tăng thu ngân sách mà doanh nghiệp Việt Nam tham gia được vào phân khúc thị trường. Vì vậy, cần xác định nguồn lực trong nước, nguồn lực nội sinh, nguồn lực con người là quan trọng nhất” - ông Nguyễn Xuân Thắng nói.
Cũng nói về việc huy động nguồn lực, ông Phạm Minh Chính cho rằng những việc doanh nghiệp, nhân dân làm tốt hơn thì Nhà nước không làm. Nhưng có những việc doanh nghiệp và nhân dân làm được, Nhà nước vẫn phải đảm nhiệm để đảm bảo sự quản lý, ví dụ về an ninh quốc phòng. Bởi vậy cần sự uyển chuyển trong điều hành cụ thể.
Còn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trình bày về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 và phương hướng giai đoạn 2021-2026 đã nhấn mạnh một cách toàn diện các vấn đề về phát triển. Một trong những điểm Thủ tướng nhấn mạnh là phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế vùng, kinh tế biển, đô thị nông thôn. “Đây là những nội hàm quan trọng, lĩnh vực mà chúng ta còn rất nhiều tiềm năng, thế mạnh” - Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, cần đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, nhất là giao thông, năng lượng và hạ tầng số. Phấn đấu đến năm 2030 có 5.000 km cao tốc, các sân bay trọng điểm lớn được đầu tư hiện đại; làm đường ven biển từ Nam ra Bắc bao gồm cả miền Đông, miền Tây Nam bộ.
Trong phát triển kinh tế vùng, Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, thúc đẩy liên kết phát triển vùng; xây dựng trung tâm kinh tế, tài chính có lợi thế cơ chế, chính sách, có những đột phá cạnh tranh quốc tế.
“Nhân đây, tôi nói rộng hơn. Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Đặc khu nhưng hồi đó nhận thức còn nhiều vấn đề, chúng ta chưa làm tốt công tác hướng dẫn dư luận cho nên chúng ta chưa thành công. Chúng ta phải tiếp tục nghiên cứu vấn đề này” - Thủ tướng nói.
Tương tự, như đường sắt Bắc - Nam, đường sắt Hồ Chí Minh - Cần Thơ, Thủ tướng khẳng định “tất cả vấn đề đó tốn tiền cũng phải làm, phải có nghiên cứu để làm”.
Thủ tướng cho rằng nghị quyết có hay, chương trình có đúng mà không có hành động cụ thể thì cũng khó thành công và Chính phủ sẽ ban hành chương trình, kế hoạch hành động cụ thể để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt, xây dựng nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
“Phải lên rừng, xuống biển để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân. Phải có sản phẩm mới đánh giá được cán bộ tốt hay xấu, chứ không phải hết mùa đông rồi đến mùa xuân, nước chảy bèo trôi, không có sản phẩm gì cả” - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho rằng công tác đôn đốc thực hiện là điều quan trọng. Ông nêu: “Hai địa phương có điều kiện giống nhau nhưng có địa phương phát triển mạnh mẽ, cả số lượng, chất lượng sản phẩm nhưng có địa phương lại không làm được bao nhiêu, cứ vẫn như cũ, không thay đổi, cứ từ từ, cứ họp thường vụ suốt mà không có sản phẩm gì”.
Hòa bình trên Biển Đông trước thách thức lớn
Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, trên biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn. Hòa bình, ổn định, tự do an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đứng trước những thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Thực tế này đòi hỏi phải giải quyết bài bản, căn cơ, lâu dài, có chiến lược và sách lược mềm dẻo, đúng đắn, tôn trọng luật pháp quốc tế; giải quyết Biển Đông theo Công ước Luật Biển 1982 và DOC của các nước ASEAN với một số nước khác và tiến tới COC.
Thượng tướng PHAN VĂN GIANG, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nói khi giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về quốc phòng Việt Nam”
Nắm tình hình từ sớm, từ xa
Đại hội XIII đã xác định phương hướng “Chủ động chuẩn bị về mọi mặt, sẵn sàng các phương án giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống”. Điều này thể hiện tư duy trong bảo vệ an ninh quốc gia là luôn giữ vững thế chủ động chiến lược, chủ động trong mọi tình huống, thể hiện “tính chiến đấu” thường xuyên, liên tục trong mọi hoàn cảnh, vừa gắn chặt với xu thế hòa bình, ổn định để phát triển bền vững đất nước.
Trong bảo vệ an ninh quốc gia, cần luôn chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, từ cơ sở trong mọi tình huống; nắm tình hình từ khi mới khởi nguồn các vấn đề phức tạp về an ninh trật tự để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách, pháp luật phù hợp để bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, chủ quyền và an ninh của đất nước.
Đại tướngTÔ LÂM, Bộ trưởng Bộ Công an, phát biểu khi giới thiệu chuyên đề “Những nhận thức mới và tư duy mới về an ninh quốc gia”