Quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết thể hiện quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm của Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức liên quan trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế.
Chiều 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng dự.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Báu Hà điều hành điểm cầu Hà Tĩnh. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh Trần Đình Gia và lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng dự.
Kỳ họp thứ 8 thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hoàn thiện thể chế phát triển là một trong ba đột phá chiến lược. Thể chế là "đột phá của đột phá", là nguồn lực, động lực phát triển. Quốc hội, Chính phủ đã cùng nhau thực hiện chủ trương của Đảng, dành nhiều thời gian, nguồn lực cho công tác hoàn thiện thể chế nhưng đến nay, thể chế vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn".
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua số lượng lớn luật, nghị quyết (18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật và 17 nghị quyết điều hành kinh tế, xã hội) với sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội. Trong đó, nhiều luật, nghị quyết liên quan đến các lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.
Các luật, nghị quyết được thông qua đã quán triệt sâu sắc tinh thần đổi mới tư duy trong công tác xây dựng pháp luật theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm, bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những điểm nghẽn về thể chế nhằm khơi thông mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển KT-XH.
Ngay sau Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa xây dựng và thi hành pháp luật, cụ thể là: tuyên truyền, phổ biến pháp luật; ban hành kế hoạch; phân công cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy định chi tiết.
Các luật, nghị quyết được thông qua thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ
Tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trong số các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, có những luật mới, có nội dung phức tạp nhưng đã được Quốc hội xem xét, thông qua ngay trong một kỳ họp mà thông thường phải theo quy trình hai kỳ họp như: Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật Điện lực (sửa đổi)...
Các luật, nghị quyết được thông qua đã thể hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, chuyển tư duy từ xây dựng pháp luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý hiệu quả với kiến tạo phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Cùng đó, các luật, nghị quyết được sửa đổi, ban hành bám sát yêu cầu triệt để cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhất là thí điểm chính sách mới, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Với tinh thần xây dựng luật ngắn gọn để đảm bảo tính ổn định, giá trị lâu dài, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan rà soát đưa ra khỏi các dự thảo luật, nghị quyết nhiều quy định cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các Bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Trên tinh thần phối hợp chặt chẽ, thực chất, hiệu quả giữa Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND, UBND, các đoàn ĐBQH ở địa phương tăng cường phối hợp trong việc khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền để cụ thể hóa luật, nghị quyết của Quốc hội, văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phù hợp với tình hình địa phương. Cùng đó, cần gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật và giám sát việc thực hiện để luật, nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả kiến tạo phát triển, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển KT-XH của từng địa phương cũng như cả nước.
Qua đó, phấn đấu hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Đảng bộ các địa phương; chuẩn bị tốt nhất cho việc tổ chức Đại hội đại biểu các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031…
Tại hội nghị, đại biểu cũng nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương báo cáo tham luận, phát biểu ý kiến nhằm đưa các luật, nghị quyết sớm vào cuộc sống.
Khẩn trương triển khai thực hiện các luật, nghị quyết
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị lần này nhằm tập trung quán triệt những điểm mới, nội dung trọng tâm và nhiệm vụ chủ yếu cần triển khai; chia sẻ, lắng nghe ý kiến về thuận lợi, khó khăn, vướng mắc gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật. Đồng thời, củng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp vào pháp luật; giúp cán bộ, công chức nắm vững các quy định, tự tin, chủ động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ; đặc biệt là quán triệt tư tưởng đổi mới tư duy xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn mới...
Để các luật, nghị quyết đi vào cuộc sống, khơi thông nguồn lực cho sự phát triển của đất nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, công việc còn rất nhiều, đòi hỏi quyết tâm, nỗ lực lớn hơn nữa thì mới đảm bảo đúng tiến độ, nâng cao chất lượng, tạo động lực thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ phát triển mới.
Trên cơ sở đó, yêu cầu tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Bộ Chính trị về xây dựng và thực thi pháp luật; hoàn thiện cơ chế thực hiện thực thi pháp luật theo nguyên tắc làm theo Hiến pháp và pháp luật. Khẩn trương ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành 130 văn bản để thực hiện các luật và nghị quyết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, xây dựng hệ thống pháp luật bao trùm, xuyên suốt, thống nhất và toàn diện.
Thủ tướng cũng yêu cầu tăng cường hoạt động kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; thường xuyên đánh giá hiệu quả pháp luật sau ban hành nhằm nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật.
Các địa phương chủ động ban hành kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội, cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù được áp dụng tại địa phương.