Quán triệt và triển khai nhiệm vụ nâng cao chỉ số PAPI
Kinhtedothi – Ngày 24/8, tại Trung tâm chính trị huyện Đông Anh (Hà Nội), Sở Nội vụ Hà Nội tổ chức Hội nghị quán triệt và triển khai nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2022 cho cán bộ UBND cấp xã.
Hội nghị quán triệt và triển khai nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của TP Hà Nội năm 2022 cho cán bộ UBND cấp xã có sự tham gia của 6 quận, huyện gồm: Đông Anh, Gia Lâm, Hoàn Kiếm, Long Biên, Mê Linh, Sóc Sơn.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, với mục tiêu cải thiện, nâng cao chỉ số quản trị và hành chính công của TP Hà Nội, thực hiện sự chỉ đạo, hướng dẫn của UBND TP. Sở Nội vụ và các sở, ban, ngành liên quan cùng quận, huyện, thị xã thuộc TP luôn tích cực triển khai nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chỉ số PAPI ở đơn vị mình nói riêng và của TP nói chung.
Nâng cao chỉ số PAPI có vai trò quạn trọng trong công tác cải cách hành chính, là một trong những điều kiện quan trọng để nâng cao sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ hành chính Nhà nước; Đồng thời, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP và Sở Nội vụ, các đơn vị cấp cơ sở đã nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ, trách nhiệm cải thiện chỉ số PAPI.
“Riêng đối với huyện Đông Anh, toàn hệ thống chính trị đã chủ động vào cuộc rất quyết liệt, thực hiện quán triệt, thống nhất từ huyện đến cơ sở các nhiệm vụ, giải pháp để tạo sự chuyển biến tích cực trong kết quả đánh giá chỉ số PAPI. Góp phần tích cực vào việc nâng cao chỉ số PAPI của TP trong năm 2021, từ vị trí thứ 48 lên thứ 9, tăng 39 bậc so với năm 2020” – ông Nguyễn Xuân Linh nhấn mạnh.
Trong phần quán triệt, triển khai nhiệm vụ nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2022, Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ Hà Nội) Phạm Tuấn Anh cho biết, năm 2021 mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng chỉ số PAPI của TP Hà Nội vẫn tăng mạnh là do TP quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc cải thiện Chỉ số PAPI, đưa chỉ tiêu tăng hạng PAPI vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP; Các cấp chính quyền, cơ quan, đơn vị thuộc tích cực tham mưu, nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao, chủ động trong phối hợp giữa đơn vị chuyên môn, lĩnh vực, địa bàn phụ trách.
Tuy tăng vượt bậc về thứ hạng, nhưng điểm số tăng chưa nhiều (2,82 điểm), với 44,45/80 điểm tối đa, Hà Nội mới ở mức độ trên trung bình (tương đương 55,57%). Bên cạnh đó, một số nội dung bị giảm điểm, như: Tham gia của người dân giảm 0,05 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân giảm 0,48 điểm; Chất lượng bầu cử giảm 0,09 điểm, đây là nội dung đánh giá về việc bầu cử Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố, cho thấy người dân đánh giá chất lượng bầu Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố kém hơn so với năm 2020...
Trong giai đoạn hiện nay, có nhiều vấn đề lớn đặt ra ở cấp cơ sở liên quan đến việc cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI, vì khoảng trên 75% các nội dung PAPI đánh giá gắn với trách nhiệm trực tiếp của UBND cấp xã.
“Như vậy, để cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI của TP trước hết phải thực hiện từ cấp xã, xác định địa bàn tập trung chỉ đạo tại xã, phường, thị trấn, các giải pháp để cải thiện chỉ số PAPI cũng chính là thực hiện đúng, đủ, tốt hơn nhiệm vụ, trách nhiệm hàng ngày của chính quyền cơ sở xã, phường, thị trấn” – ông Phạm Tuấn Anh cho hay.
Được biết, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) là tên gọi chương trình nghiên cứu về quản trị do Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) khởi xướng từ năm 2009; PAPI đo lường, cung cấp dữ liệu phản ánh sự cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách, cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương tại 63 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư. Đồng thời cũng là công cụ để người dân tham gia giám sát hiệu quả hoạt động chính quyền trong việc thực thi chính sách đến cấp cơ sở.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/quan-triet-va-trien-khai-nhiem-vu-nang-cao-chi-so-papi.html