Quân và dân cùng xuống đồng ngày đầu năm ở bản biên giới Ka Ai

Ở bản Ka Ai vào những ngày đầu năm mới, tiếng máy cày vang lên xình xịch trên cánh đồng lúa nước. Những 'nông dân áo lính' đang cần mẫn với chiếc máy cày bánh sắt miệt mài làm việc trên cánh đồng. Trung tá Phan Văn Năm, cán bộ Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình trên mặt lấm tấm bùn đất cho biết: 'Cho máy chạy để bà con biết vụ mùa đã bắt đầu'.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tích cực giúp bà con dân bản làm đất cấy lúa trên cánh đồng Ka Ai. Ảnh: Văn Chương

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo tích cực giúp bà con dân bản làm đất cấy lúa trên cánh đồng Ka Ai. Ảnh: Văn Chương

Máy kêu rồi!

Từ mờ sáng của những ngày đầu năm mới 2023, chốt Biên phòng tại bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã rục rịch tiếng chân người. Trung tá Phan Văn Năm gọi anh em dậy sớm rồi xỏ ủng đi về phía cánh đồng. Chiếc ủng anh Năm mang là loại ủng cao lên trên đầu gối để lội bùn nên những bước chân của anh trở nên hơi khác thường.

Việc ra đồng đã được tổ công tác thông báo với bà con người Chứt (người Rục) ở bản Ka Ai. Nhưng theo kinh nghiệm của anh em, thông báo gì cũng không bằng được tiếng máy kêu xình xịch ngoài cánh đồng lúa nước. Vì khi có tiếng máy nổ rồi thì ai cũng nhìn ra đồng, thỉnh thoảng lại nói với nhau, “máy cày Biên phòng kêu ngoài ruộng át cả tiếng ếch kêu, ngày gieo cấy đã bắt đầu rồi”.

Mỗi khi tiếng máy kêu, ông Hồ Duật và vợ lại nhìn lên dãy núi Giăng Màn ở phía Tây Bắc, núi Phong Nha - Kẻ Bàng ở phía Đông Nam rồi kể về thời điểm trước năm 2014 và so sánh với bây giờ. Trước thời điểm đó, cứ đến mùa vụ là bà con trèo lên lưng chừng núi từ sáng sớm để phát rẫy trồng lúa. Lúa rẫy cắm trên sườn núi thoai thoải và khi hạt lúa trĩu nặng thì dân bản phải lo đối phó với lũ chuột. Còn hiện nay, dự án ruộng lúa nước của BĐBP được triển khai ngay sát nhà và cứ tới mùa lại vang lên tiếng máy cày kêu xình xịch nghe vui tai.

Những đứa trẻ trong bản theo người lớn ra đồng như để chia sẻ niềm vui lao động với các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Ảnh: Văn Chương

Những đứa trẻ trong bản theo người lớn ra đồng như để chia sẻ niềm vui lao động với các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng. Ảnh: Văn Chương

Kể chuyện tiếng máy kêu, Trung tá Phan Văn Năm cho biết, được cấp trên phân công “cắm bản” Ka Ai được 2 năm. Ngày đầu tiên đi hướng dẫn đồng bào trồng lúa nước, anh đã gõ cửa từng cụm nhà và huy động người dân đi xúc phân bò ngoài cánh đồng cỏ về để bón ruộng. Anh giải thích: “Không giống như lúa rẫy, trồng xong rồi “nhờ trời”; lúa nước của BĐBP là phải được bón phân lợn thì mới có hạt được”.

Thiếu tá Trần Đức Hợp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo cầm cuốc bước ra ruộng và bập từng nhát cuốc xuống mặt đất bùn, nơi vệt bánh máy cày vừa đi qua. Cuốc được một lát thì cán cuốc gãy phải mang vào thay. Anh cho biết, những năm đầu tiên khai hoang, BĐBP phải đi nhặt từng viên đá. Cứ năm này sang năm khác, đám ruộng bây giờ gần như chỉ còn bùn đất, nhưng thỉnh thoảng vẫn lẫn đá.

Máy kêu, ngừng uống

Binh nhất Trương Hoàng Đan liên tục đảo vòng cua cho chiếc máy cày chà đi, xát lại khu vực vẫn còn lẫn vài viên đá. Bùn văng lên tung tóe mỗi khi chiếc máy cày được kéo mạnh tay ga để tiến lên, lùi lại. Tiếng máy càng nổ gắt đã khiến lũ trẻ trong xóm tò mò kéo ra đồng xem các chú bộ đội.

Ngày đầu năm xuống đồng cày đất, ruộng của bà Hồ Thị Bách được anh em cày đầu tiên. Thiếu tá Trần Đức Hợp cho biết: “Nhà bà Bách không còn đàn ông, con bà đã ra ở riêng, năm nay bà gần 60 tuổi rồi. Anh em phải làm trước, rồi sau đó tiếp tục giúp bà cấy lúa chứ có còn ai đứng ra làm nữa đâu”.

Binh nhất Trương Hoàng Đan chụp ảnh để “khoe” với bố mẹ về việc đã lái được máy cày giúp đồng bào làm mùa vụ. Ảnh: Văn Chương

Binh nhất Trương Hoàng Đan chụp ảnh để “khoe” với bố mẹ về việc đã lái được máy cày giúp đồng bào làm mùa vụ. Ảnh: Văn Chương

Từ ngày 1/1/2023, tiếng máy cày xình xịch ngoài cánh đồng của bản Ka Ai và kéo dài đến nửa tháng. Diện tích 5ha lúa nước đều được BĐBP cày xới. Công việc này được Trung tá Năm giải thích rằng: “Hướng dẫn họ đi nhặt phân, cấy lúa… thì là việc có thể cùng làm được, còn lái máy cày và ngồi lên cỗ máy rung bần bật này là nhiều người lắc đầu, không biết, không dám”.

Cứ vài ngày cày ruộng, bánh răng của máy lại được tháo ra, trở về chốt để anh em sửa chữa. Trung tá Năm kéo chiếc máy hàn hiệu Atlantic 250G ra và trở thành một người làm nghề hàn, gò thành thạo. Do gặp phải một số đám ruộng có mặt đất cứng, vì vậy, những chiếc bánh có lắp răng xẻ rãnh đất, lưỡi bừa, lưỡi cày bị gãy nên phải tự hàn, gia cố. Những người dân bản đi qua, khi nhìn thấy ánh lửa hàn lập lòe thì đều lắc đầu nói: “BĐBP giỏi quá, cái này thì miềng (tôi) càng không thể nào làm được đâu”.

“Miềng cũng được tặng gạo từ miền xuôi nhưng vẫn không ngon bằng gạo các chú Biên phòng và bà con dân bản trồng ở cánh đồng Ka Ai”. Bà Hồ Thị Xông, một người dân ở Ka Ai cho biết

Bản Ka Ai có 72 hộ, 346 nhân khẩu, bên cạnh việc hướng dẫn bà con cấy, cày, gieo hạt, những người lính “cắm bản” còn sử dụng âm thanh xình xịch ngoài đồng để nhắc nhở một số người “hãy bớt uống rượu đi”, tập trung vào công việc của đồng áng để thoát cảnh đói nghèo. Ông Hồ Hùng, một người thường ngồi với chai rượu từ lúc sáng sớm thì đến nay đã giảm bớt, vì cán bộ Năm thường nhắc: “Hãy ra đồng cấy lúa, có nghe tiếng máy kêu rồi chứ”.

Sau những ngày tiếng máy kêu ngoài đồng, đồng bào được huy động để cấy cày. Ông Hồ Dâm (48 tuổi) cho biết, đã 10 mùa lúa nước rồi, nhưng tới hôm nay, mỗi khi gieo hạt thì vẫn có lúc chưa đều. Chuyện gieo lúa chưa đều của ông Dâm được anh em BĐBP cho biết, “hướng dẫn bà con nắm một nắm lúa vãi về phía trước, nhưng có nhiều người, trong đó có ông Dâm thì vẫn cứ vãi nắm lúa vòng lên trời, văng cả hạt trên đầu”. 5ha ruộng lúa nước sau gần 10 năm gieo cấy, kết hợp với cải tạo, hiện nay đã trở thành cánh đồng mang lại năng suất cao.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quan-va-dan-cung-xuong-dong-ngay-dau-nam-o-ban-bien-gioi-ka-ai-post457827.html