Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản
'Ngày Việt Nam ở nước ngoài' là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010. Năm nay sự kiện 'Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023' sẽ quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến 3 quốc gia là Nam Phi, Pháp và Nhật Bản.
Chương trình do Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao tổ chức, bắt đầu từ giữa tháng 9 với đa dạng hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Trong hai ngày 14,15/9, thủ đô Pretoria của Nam Phi sẽ là nơi mở đầu sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài”. Đây cũng là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức tại Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Chương trình sẽ triển khai nhiều hoạt động như: Trưng bày phục dựng cổ phục Việt; Hướng dẫn vẽ sơn mài trên đồ trang sức, đồ décor nhỏ; hướng dẫn in tranh Đông Hồ, nặn tò he. Tất cả được tổ chức trong một không gian văn hóa mang đậm tinh thần Việt với chủ đề “Nguồn cội, Sức sống và Sự tiếp nối”. Bên cạnh đó là chương trình biểu diễn nghệ thuật kết hợp với Lễ kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam-Nam Phi…
Bà Nguyễn Thị Yến, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Biểu diễn và Sự kiện Đông Đô chia sẻ về các chương trình biểu diễn nghệ thuật trong chuỗi sự kiện: “Các tiết mục trong Chương trình nghệ thuật được xây dựng theo một mạch truyện với tên gọi Sắc màu Việt, kết nối với nhau thông qua những lời kể trải dài từ Bắc vào Nam. Sắc màu Việt khác nhau ở mỗi một vùng đất, và còn là câu chuyện của những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận. Câu chuyện đưa con người ta về một ngày tại Việt Nam, từ bình minh sáng sớm tại vùng núi phía bắc vào đến sự nhộn nhịp, vui nhộn của vùng đất phương Nam”.
Với nghệ nhân Trần Anh Tuấn, người đã có 10 năm tham gia sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” thì đây chính là dịp để anh giới thiệu nghệ thuật sơn mài của nước ta đến bạn bè thế giới. “Năm nay tôi đem một bức tranh sơn mài 5 tấm vẽ thủ đô Hà Nội, với Hồ Gươm- trái tim của thủ đô. Trong bức tranh ấy tôi diễn tả 4 mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Đối với tôi, nghệ thuật tranh sơn mài và tác phẩm sơn mài là một đại diện cho văn hóa Việt Nam, là đặc điểm riêng của văn hóa Việt Nam”- nghệ nhân Trần Anh Tuấn nói.
Sau Nam Phi, Pháp và Nhật Bản sẽ là những điểm đến tiếp theo của chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài 2023”. Các chương trình dự kiến được tổ chức trong tháng 11 và tháng 12 nhân dịp kỷ niệm 50 năm Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với hai quốc gia này. Theo đó, tại Pháp sẽ diễn ra hoạt động triển lãm ảnh “Việt Nam tôi yêu”, trải nghiệm làm tranh sơn mài, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sơn mài, làm tranh dân gian Đông Hồ; Triển lãm trưng bày sáng tác hưởng ứng tuần Việt Nam tại Pháp. Tại Nhật Bản sẽ diễn ra hoạt động trưng bày phục dựng cổ phục Việt dưới triều Nguyễn, giới thiệu câu chuyện về Phở thông qua những truyền nhân của Phở Thìn Bờ Hồ.
Bà Nguyễn Thị Nga, người sáng lập Công ty cổ phần Vạn Thiên Y, đơn vị phụ trách phần giới thiệu cổ phục Việt tại sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm nay cho biết: Vạn Thiên Y sẽ giới thiệu trang phục áo dài 5 thân cho cả nam và nữ, cùng với những trải nghiệm dành cho người dân và du khách: “Tiêu chí chọn trang phục của chúng tôi, đầu tiên là phải giữ được quy chuẩn liên quan đến văn hóa, lịch sử nhưng bên cạnh đó cũng phải là những hình ảnh dễ nhận biết để mọi người khi nhìn thấy có thể nhận ra đây là đến từ Việt Nam, của Việt Nam. Và tất nhiên nó phải đẹp, bắt mắt nữa”.
Ông Hoàng Hữu Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức cho biết: “Theo thông lệ, chuỗi sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài bao gồm nhiều hoạt động trên cả ba lĩnh vực chính trị, văn hóa và kinh tế. Đối với chương trình năm nay, Ban Tổ chức đã có những điều chỉnh phù hợp với từng địa bàn. Mục tiêu của sự kiện là để truyền tải hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam giàu truyền thống văn hóa mà vẫn năng động, phát triển tới công chúng tại Nam Phi - nơi Việt Nam ta có thể đẩy mạnh giao lưu văn hóa, và Nhật Bản, Pháp - hai nền văn hóa có phần “quen thuộc” hơn với người dân Việt”.