Quảng bá hình ảnh thương hiệu thực phẩm Việt Nam ở nước ngoài
Giai đoạn đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Nông sản Việt Nam hiện xuất khẩu ra thị trường nước ngoài chủ yếu dưới dạng thô, sơ chế; nhiều sản phẩm chưa có thương hiệu, còn phải xuất khẩu dưới thương hiệu nước ngoài.
Bên cạnh đó, chất lượng nông sản Việt Nam cũng không đồng đều, thiếu ổn định; nhiều sản phẩm còn chưa đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nước nhập khẩu, gây ảnh hưởng đến thương hiệu của nông sản Việt Nam.
Sở dĩ có tình trạng đó là do nhận thức của doanh nghiệp, tổ chức và địa phương về công tác xây dựng, bảo vệ thương hiệu nông sản chưa được chú trọng thích đáng.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, toàn quốc hiện có trên 800 sản phẩm nông – lâm – thủy sản có uy tín nhưng chỉ có 70 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý và 160 nhãn hiệu được được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ .
Chỉ một số ít trong đó được tiến hành đăng ký bảo hộ ở nước ngoài, như Nước mắm Phú Quốc, Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, Cà phê Buôn Mê Thuột, Nước mắm Phan Thiết, Thanh long Bình Thuận….
Trên thực tế, một số nhãn hiệu đặc sản Việt Nam bị lạm dụng hoặc chiếm đoạt ở nước ngoài, phải mất nhiều thời gian và chi phí mới lấy lại được quyền đăng ký bảo hộ.
Đồng thời, cơ chế, chính sách về thương hiệu nói chung và thương hiệu nông sản, thực phẩm chế biến nói riêng còn chưa đủ mạnh để tạo đột phá.
Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành địa phương trong công tác thương hiệu còn chưa đồng bộ, hiệu quả; nguồn lực dành cho hoạt động này còn quá nhỏ so với nhu cầu.
Thực tế, đến nay chỉ có nguồn ngân sách dành cho Chương trình thương hiệu quốc gia Gạo Việt Nam, các chương trình thương hiệu khác như Thương hiệu quốc gia Việt Nam, Thương hiệu Thực phẩm Việt Nam (Food of Vietnam), … chưa được bố trí ngân sách.
Thương hiệu là yếu tố góp phần gia tăng giá trị và nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, đặc biệt là các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, thủy sản, hạt tiêu, cà phê, hạt điều, rau quả,…
Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển thương hiệu cho các nông sản chủ lực thời gian qua còn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phối hợp với các Bộ, ngành (Bộ NN&PTNT, Bộ KHCN…), địa phương, hiệp hội ngành hàng xây dựng cơ chế chính sách, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản.
Trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động phối hợp cùng các Bộ, ban ngành tham mưu cho Chính phủ ban hành Quyết định số 1320/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030 và Quyết định số 30/2019/QĐ-TTg ban hành Quy chế xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.
Ngày 23 tháng 12 năm 2019, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 3816/QĐ-BCT phê duyệt Đề án phát triển Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Để triển khai có hiệu quả các Quyết định này, rất cần một nguồn kinh phí cho Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam và Chương trình thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam.
Bộ Công Thương tập trung quảng bá thương hiệu nông sản, thực phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm.
Hình ảnh Thương hiệu thực phẩm Việt Nam (Foods of Vietnam) đã được sử dụng và quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước như: Vietnam Foodexpo (Việt Nam), Gulfood (Dubai), Bio Fach (Đức); Anuga (Đức), Sial (Pháp), Boston (Mỹ), Seoul (Hàn Quốc), Foodex (Nhật Bản)... giúp tăng cường nhận thức và quảng bá hình ảnh ngành hàng thực phẩm Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu mục tiêu.
Giai đoạn đến năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động quảng bá hình ảnh Thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam tại các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.