Quảng bá, tiêu thụ nông sản Thái Nguyên trên các nền tảng mạng xã hội
Khí hậu, thổ nhưỡng tốt, đặc thù, người dân và các chủ thể trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng cao, trong đó nhiều loại có số lượng lớn, có tính chất mùa vụ. Phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin, thời gian vừa qua, nhiều cá nhân, hợp tác xã, nhóm tiktoker, vlogger đã livestream quảng bá, tiêu thụ nông sản trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok...Qua đó, giúp tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Những năm gần đây, phát huy tiềm năng đất đai, khí hậu, người dân trên địa bàn huyện vùng cao Võ Nhai phát triển mạnh cây na, nhất là trồng trên triền núi, đồi.
Đến nay, diện tích na lên đến khoảng 700 ha, trong đó tập trung chủ yếu ở các xã La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, thị trấn Đình Cả... vụ năm 2024 người dân Võ Nhai thu hoạch khoảng hơn 6 nghìn tấn na. Na Võ Nhai thơm mát, bổ dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai Dương Văn Toản chia sẻ: “Diện tích và sản lượng na trên địa bàn ngày càng tăng, thu hoạch theo thời vụ nên lãnh đạo huyện và người dân từng lo lắng không tiêu thụ hết, giá na giảm”.
“Với sự nỗ lực của huyện trong việc phối hợp với cơ quan chức năng, người dân và các hợp tác xã có nhiều giải pháp tuyên truyền, nhất là các nhóm tiktoker, vlogger đã livestream quảng bá, tiêu thụ na trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok... được sự chú ý rộng rãi của xã hội, thúc đẩy tiêu thụ na hiệu quả trong, sau dịch bệnh Covid-19, nhất là vụ na 2024 không có hiện tượng dư thừa, bán được giá, giúp nông dân giảm nghèo và làm giàu từ loại cây này”, ông Toản vui mừng.
Chỉ tính ngày 2/8 vừa qua, Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai phối hợp với Liên minh Hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên tổ chức Chương trình livestream phiên chợ na và nông sản, sản phẩm OCOP tỉnh Thái Nguyên tại khu vườn na xóm Xuân Hòa, xã La Hiên.
Phiên chợ diễn ra trong 5 tiếng, các nhóm tiktoker, vlogger và đại diện một số hợp tác xã livestream trên các nền tảng mạng xã hội Facebook, Tiktok...thu hút hơn 500 lượt khách tham quan và hơn 6 triệu lượt người xem trực tiếp, gần 900 đơn hàng đặt hàng trực tuyến mua gần 5 tấn na và các nông sản Thái Nguyên.
Ông Kiều Thượng Chất ở xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai có 2 ha na đạt tiêu chuẩn VietGAP, trực tiếp giới thiệu na của mình tại buổi livestream và đã bán được hơn 3 tạ na với giá từ 40-65 nghìn đồng/kg. Sau đó, ông Chất nhận hàng trăm đơn hàng, đóng thùng chuyển đi nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Tham gia livestream, ông Chất học hỏi được nhiều điều về quảng bá, bán na trên mạng.
Việc livestream na Võ Nhai trên các nền tảng mạng xã hội là hình thức xúc tiến tiêu thụ hiệu quả, không chỉ bán na tại thời điểm đó, các video được phát sau đó, các nhà vườn, hợp tác xã có hàng loạt đơn hàng bán cho khách tại thành phố Thái Nguyên, Phổ Yên, các tỉnh, thành phố ở xa như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội; nhiều khách hàng đến Võ Nhai thu mua na về bán, đến tận vườn tham quan, mua na; góp phần từng bước khơi dậy du lịch vùng na.
Theo ông Dương Văn Toản, với sản diện tích và sản lượng na lớn, tính chất mùa vụ, nếu như chỉ bán na theo cách truyền thống là mang ra chợ, bán dọc đường thì không thể tiêu thụ hết và giá rẻ. Với sự hỗ trợ của Chi cục Phát triển nông thôn Thái Nguyên trong việc xây dựng mô hình na chín sớm, tưới tiết kiệm, góp phần nâng giá trị hơn nữa của na.
Thời gian vừa qua, việc livestream trên các nền tảng như TikTok, Facebook đối với các sản phẩm OCOP Thái Nguyên, lễ hội Trà Đại Từ, Phú Lương, gà đồi Phú Bình... với hàng triệu lượt người theo dõi, xem đã góp phần quảng bá, lan tỏa nông sản Thái Nguyên ngày càng vươn xa, được nhiều tiêu dùng rộng rãi quan tâm, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản địa phương.
Nhóm Team Thái Nguyên thời gian qua đã phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức 22 phiên livestream quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh. Qua đó có hơn 40 triệu lượt xem, kết nối được gần 18 nghìn đơn hàng trên livestream.
Qua livestream trên các nền tảng như TikTok, Facebook... không chỉ thúc đẩy người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, mà còn tạo động lực, năng lượng tích cực để nông dân, nhất ở ở vùng cao, vùng xa tỉnh Thái Nguyên vốn chỉ cần cù lao động từng bước tiếp cận, làm quen, sử dụng công nghệ trong việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.