Quảng bá vẻ đẹp quê hương nhờ công nghệ số
Nắm bắt xu thế phát triển hiện nay, anh Lê Quang Dũng (SN 1991), Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông dược BaGia Herbe, phường Phượng Sơn (thị xã Chũ) đã tích cực ứng dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần quảng bá nông sản và bản sắc văn hóa, thắng cảnh quê hương.
Giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số
Gần đây, cộng đồng mạng chú ý đến video giới thiệu về sản phẩm trà hoa sâm gạo lứt trên kênh Tiktok “Dũng Lục Ngạn”. Trong khoảng 2 phút, tác giả đưa người xem đến thăm vườn hoa sâm của một hộ dân ở khu vực núi Dành (Tân Yên) cùng trò chuyện với chủ vườn về cách chăm sóc cây, công dụng của dược liệu này và thu hái hoa đưa về sấy khô, kết hợp cùng gạo lứt, đỗ đen, đỗ đỏ... tạo nên loại trà thơm ngọt, tốt cho sức khỏe. Lời giới thiệu mộc mạc và những hình ảnh chân thật khiến người xem ấn tượng, thích thú. Thông qua video, nhiều khách hàng biết đến trà hoa sâm gạo lứt của HTX Nông dược BaGia Herbe đã liên hệ tìm hiểu thêm về sản phẩm và mua sử dụng.
Sinh ra và lớn lên tại vùng đất vải thiều, tốt nghiệp THPT, anh Dũng ở nhà làm nông nghiệp, chủ yếu chăm sóc, thu hái vải của gia đình. Mùa thu hoạch không kéo dài, bán vải tươi chỉ trong thời gian ngắn nên những năm gần đây, anh Dũng sấy quả để bán quanh năm đồng thời chế biến, tiêu thụ các loại trái cây, thảo dược khác tại địa phương. Nhận thấy gia đình mình và những hộ làm vườn tại địa phương lâu nay tiêu thụ nông sản chỉ theo phương thức bán hàng trực tiếp, số lượng hạn chế, phụ thuộc vào một số thương lái đến thu mua, anh Dũng quyết định khai thác, tận dụng Tiktok, Facebook và các nền tảng mạng xã hội khác để quảng bá sản phẩm.
Đầu năm 2023, anh thành lập HTX Nông dược BaGia Herbe với 7 thành viên chuyên thu mua các loại nông sản, thảo dược trong và ngoài huyện để sơ chế, đóng gói và tiêu thụ qua kênh bán hàng hiện đại. Đến nay một số sản phẩm của HTX là trà hoa sâm gạo lứt, trà cà gai leo rau má cùng các loại quả ngọt đặc trưng của huyện được giới thiệu, phân phối rộng rãi qua các sàn thương mại điện tử như shopee, website; các nền tảng Tiktok, Facebook. Đồng thời, anh Dũng tích cực tìm kiếm cơ hội hợp tác, tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, từng bước đưa sản phẩm vào siêu thị.
Mới đây, HTX đã được 2 siêu thị lớn tại Hà Nội ký kết tiêu thụ mỗi tháng hàng nghìn sản phẩm. Hoạt động của đơn vị tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Cùng đó, nhiều hộ trồng dược liệu, cây ăn quả trong huyện được HTX bao tiêu đầu ra nên yên tâm mở rộng diện tích cây trồng.
Theo anh Dũng, để mọi người tin dùng sản phẩm, không phải cứ nói hay, nói tốt mà phải bảo đảm chất lượng. Qua những video anh Dũng thực hiện, mọi người được chứng kiến vùng trồng nguyên liệu, các công đoạn, quy trình sản xuất, đóng gói để cho ra sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh. Ngoài những sản phẩm của HTX, anh Dũng còn thực hiện nhiều video giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng của một số địa phương trong tỉnh như: Mỳ gạo, vải thiều, dưa vàng ở thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn; nem nướng Liên Chung (Tân Yên)… Qua đó mang lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng tầm thương hiệu nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước.
Lan tỏa hình ảnh đẹp về quê hương
Đến nay, anh Dũng thực hiện hàng trăm video đăng tải trên các nền tảng số. Trong những video của anh, quê hương Bắc Giang hiện lên thật đẹp với những đồi vải thiều đỏ rực, vườn hoa sâm trắng tinh, vườn dưa lưới vàng ươm hay những khu hồ, suối nước trong vắt. Nhờ lợi thế của công nghệ thông tin, thắng cảnh, bản sắc văn hóa, nông sản đặc trưng của mỗi vùng quê trong tỉnh được nhiều người dân cả nước biết đến.
Với tôi, xây dựng mỗi video không đơn thuần là phục vụ kinh doanh mà qua đó kể những câu chuyện về con người, vùng đất quê mình. Bên cạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản tại địa phương, tôi muốn lan tỏa hình ảnh tươi đẹp và nét đặc sắc của quê hương đến với nhiều người”.
Anh Lê Quang Dũng
Những video trở nên cuốn hút bởi những hình ảnh chân thật như: Chăm sóc, thu hoạch vải thiều, hoa sâm Nam núi Dành; đi rừng bắt nhộng ong; thăm vườn dưa… không chỉ khiến người xem muốn thưởng thức sản phẩm mà còn ao ước được đến những vùng đất có nông sản đó để khám phá, trải nghiệm. Anh Dũng tâm sự: “Với tôi, xây dựng mỗi video không đơn thuần là phục vụ kinh doanh mà qua đó kể những câu chuyện về con người, vùng đất quê mình. Bên cạnh quảng bá, tiêu thụ nông sản tại địa phương, tôi muốn lan tỏa hình ảnh tươi đẹp và nét đặc sắc của quê hương đến với nhiều người”.
Nhờ tự học hỏi, trau dồi kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, các video và kênh truyền thông của anh Dũng và HTX Nông dược BaGia Herbe ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn. Hiện anh Dũng đang duy trì hoạt động 2 kênh truyền thông chính với hàng chục nghìn người theo dõi. Đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho một số tập thể, cá nhân sản xuất nông nghiệp xây dựng kênh tiêu thụ nông sản qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Thực hiện chương trình của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, anh còn tham gia đào tạo kỹ năng bán hàng trực tuyến, livestream, xây dựng các kênh truyền thông chia sẻ về đời sống sản xuất nông thôn, quảng bá nông sản đặc trưng, văn hóa ẩm thực vùng miền cho thanh niên, nông dân tại địa phương.
Nhằm thu hút sự quan tâm của mọi người trên kênh truyền thông, anh Dũng hướng dẫn các hộ sản xuất cập nhật thường xuyên những hình ảnh từ lúc chăm sóc cây đến khi thu hoạch. Thông qua đó, khách hàng theo dõi được quy trình sản xuất, thông tin sản phẩm, chứng nhận của Nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm để có niềm tin về sản phẩm và lựa chọn sử dụng.
Chàng trai đất vải Lục Ngạn còn tích cực tham gia nhiều cuộc thi lớn do các tổ chức Đoàn, Hội tổ chức như "Hành trình OCOP", "Dự án thanh niên nông thôn khởi nghiệp". Những phần thể hiện kỹ năng, kế hoạch thực hiện các dự án về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại cuộc thi của anh không chỉ nâng cao uy tín của HTX mà còn truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ trong khởi nghiệp và quảng bá quê hương.
Bảo Hoa
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/quang-ba-ve-dep-que-huong-nho-cong-nghe-so-postid411395.bbg