Quảng bá, xúc tiến du lịch 2025 sẽ khắc phục tình trạng 'đơn thương độc mã'?

Cơ quan lý Nhà nước với vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, sẽ tạo môi trường tốt nhất trong quảng bá, xúc tiến du lịch…, đưa ngành công nghiệp không khói của nước nhà ngày càng phát triển.

Ẩm thực truyền thống Việt Nam được quảng bá tại Lễ hội ẩm thực và giao lưu văn hóa Việt Nam-Malaysia, diễn ra hồi cuối tháng 11, tại Kuala Lumpur. (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)

Ẩm thực truyền thống Việt Nam được quảng bá tại Lễ hội ẩm thực và giao lưu văn hóa Việt Nam-Malaysia, diễn ra hồi cuối tháng 11, tại Kuala Lumpur. (Ảnh: Hằng Linh/TTXVN)

Năm 2024, du lịch được đánh giá là một điểm sáng của bức tranh kinh tế Việt Nam, trong đó nổi bật là công tác quảng bá, xúc tiến nhờ đột phá về nội dung và hình thức. Tiếp tục đà này, lãnh đạo ngành đã đề xuất kế hoạch quảng bá xúc tiến du lịch để các địa phương, doanh nghiệp cùng tham gia có trọng tâm và trọng điểm, tạo hiệu ứng chung thu hút khách quốc tế du lịch đến.

Mặc dù năm vừa qua Việt Nam cũng đã tiếp tục tháo gỡ các vấn đề liên quan đến chính sách visa, tạo môi trường thuận lợi, đổi mới quảng bá, xúc tiến và quản lý nhà nước về du lịch… song, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong vẫn nhấn mạnh trong năm tới cần “có những yêu cầu cao hơn mà những người làm du lịch phải nghiên cứu, suy ngẫm, xây dựng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, phát triển cung để tạo cầu.”

Những dấu ấn quảng bá, xúc tiến du lịch 2024

Năm 2024, ngành du lịch nước nhà đã có những bước đột phá về quảng bá, xúc tiến, góp phần để đạt và vượt mục tiêu đạt 17 triệu khách quốc tế, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2024. Đặc biệt, Đảng và Nhà nước cũng dành nhiều quan tâm đến sự phát triển của ngành.

Minh chứng là trong năm qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu tại 2 chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch tại Hàn Quốc, Trung Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Với thị trường nội địa, du lịch Việt đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp tổ chức thành công vô số sự kiện quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước. Nhiều chương trình được đánh giá đổi mới cả về phương thức và nội dung thể hiện.

Đáng chú ý, các sự kiện cũng được nâng cấp về quy mô và tầm vóc; gắn kết với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực truyền thống; gắn với các hoạt động ngoại giao của lãnh đạo Chính phủ tại các nước nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông và quảng bá rộng rãi.

 Màn biểu diễn nghệ thuật trong chương trình "Ngày Việt Nam tại Brazil," có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil và kỷ niệm 112 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại Rio de Janeiro trên trên hành trình tìm đường cứu nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Màn biểu diễn nghệ thuật trong chương trình "Ngày Việt Nam tại Brazil," có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Brazil và kỷ niệm 112 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại Rio de Janeiro trên trên hành trình tìm đường cứu nước. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Dẫn chứng về việc đã xúc tiến thị trường phù hợp, chú trọng vào doanh thu và chất lượng sản phẩm hơn số lượng, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng thực tế ở thành phố biển Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa là một điển hình. Điểm đến này đang đông khách trở lại và chủ yếu là khách chất lượng cao, chi tiêu cao hơn, đẳng cấp hơn khi chọn lưu trú ở khách sạn 4 sao hoặc 5 sao

Trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai rộng khắp các hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch, đặc biệt tại các thị trường du lịch trọng điểm; các thị trường, các quốc gia được miễn thị thực nhập cảnh; những điểm đến đã kết nối đường bay thẳng và thị trường gửi khách lớn, có khả năng tăng trưởng cao.

Bên cạnh đó, đơn vị này cũng chủ trì tổ chức gian hàng tại 4 hội chợ du lịch lớn, uy tín ở khu vực và trên thế giới; tham gia 9 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam và kết nối doanh nghiệp; lễ hội văn hóa - du lịch tại 11 quốc gia, vùng lãnh thổ và 16 thành phố quốc tế… tạo tác động truyền thông lan tỏa tới đông đảo công chúng, du khách tại các thị trường trọng điểm.

Một số chương trình, sự kiện đáng chú ý như: Diễn đàn Du lịch ASEAN - ATF 2024 tại Lào; Hội chợ ASEAN-Trung Quốc tại Trung Quốc; Hội chợ CITM tại Trung Quốc; Hội chợ WTM tại Anh; Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Tây Âu (Paris, Milan, Frankfurt), Australia (Melbourne, Perth) và New Zealand (Auckland); Chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Nga (Moscow và Saint Petersburg); Diễn đàn xúc tiến du lịch và hợp tác văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc tại Seoul (Hàn Quốc); Chương trình xúc tiến du lịch- điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ (Los Angeles)…

Có thể nói, 2024 là năm “bùng nổ” của các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam ra thế giới với quy mô, số lượng và tần suất tương đương như trước dịch COVID-19. Chuỗi hoạt động này đã góp phần nâng cao hình ảnh, thương hiệu điểm đến du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm quốc tế và hỗ trợ doanh nghiệp du lịch kết nối, khai thác cũng như mở rộng thị trường.

 Vietnam Airlines tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm giao lưu kết nối văn hóa giữa 2 quốc gia Việt Nam-Đức ngay khi mở đường bay tới Munich. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Vietnam Airlines tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện nhằm giao lưu kết nối văn hóa giữa 2 quốc gia Việt Nam-Đức ngay khi mở đường bay tới Munich. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tuy nhiên, ngoài những thành quả trên, lãnh đạo ngành cũng thừa nhận công tác quảng bá, xúc tiến năm 2024 còn nhiều khó khăn, hạn chế như: Việc phân bổ, giải ngân kinh phí do ngân sách nhà nước cấp qua Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chưa thực sự phát huy hiệu quả; chưa tạo được hợp tác, gắn kết chặt chẽ trong các chương trình, kế hoạch xúc tiến du lịch quốc gia; chưa thành lập được các Văn phòng xúc tiến du lịch Việt Nam ở nước ngoài làm giảm năng lực cạnh tranh với các nước trong khu vực…

Kế hoạch năm 2025 có gì mới?

Về công tác xúc tiến du lịch năm 2025, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, ông Hà Văn Siêu, cho biết ở trong nước sẽ tập trung tổ chức một số chương trình quảng bá xúc tiến trọng tâm như: Năm Du lịch quốc gia 2025 - Huế; Hội nghị quốc tế về công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch; Hội chợ VITM Hanoi 2025, Hội chợ ITE HCMC 2025; triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa, các chương trình du lịch mới, các gói sản phẩm có chất lượng dịch vụ tốt vừa nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách vừa đa dạng hóa sản phẩm.

Đối với thị trường quốc tế, “ngành du lịch sẽ lựa chọn thị trường theo các tiêu chí: thị trường được miễn thị thực nhập cảnh; thị trường có kết nối đường bay thuận lợi; thị trường có tiềm năng, khả năng tăng trưởng cao, có chất lượng,” ông Siêu cho hay.

Theo kế hoạch dự kiến năm 2025, Chương trình Tuần Văn hóa du lịch Việt Nam với Năm Du lịch quốc gia Huế 2025 sẽ là điểm nhấn của ngành du lịch Việt tại châu Âu. Nhà Triển lãm Việt Nam tại EXPO 2025 Osaka, Kansai (từ tháng 4-10/2025) cũng là dịp quan trọng giúp Việt Nam quảng bá văn hóa, du lịch với thế giới.

Ngành du lịch Việt Nam sẽ nghiên cứu tham dự các hội chợ du lịch hàng đầu trên thế giới trong năm 2025 như: WTM London (Anh); IFTM Top Resa (Pháp); hội chợ ITB Berlin; IMEX Frankfurt (Đức); IMEX America/Seatrade Cruise Global Miami (Mỹ); FITUR (Tây Ban Nha); MITT (Nga); MATKA (Phần Lan); hội chợ ITB China (Trung Quốc); TITF (Đài Loan, Trung Quốc); SITF (Hàn Quốc); Tourism EXPO Japan (Nhật Bản); hội chợ TRAVEX, ITB Singapore; hội chợ AIME (Australia); SATTE/OTM (Ấn Độ); Arabian Travel Market (Dubai)...

 Các nhà làm phim, đạo diễn Mỹ thảo luận trực tiếp tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, diễn ra tại thành phố Los Angeles, bang California hồi cuối tháng 9/2024. (Ảnh: Bộ VHTTDL)

Các nhà làm phim, đạo diễn Mỹ thảo luận trực tiếp tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch Việt Nam thông qua điện ảnh trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ, diễn ra tại thành phố Los Angeles, bang California hồi cuối tháng 9/2024. (Ảnh: Bộ VHTTDL)

Ngoài ra, là các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam, kết nối doanh nghiệp tại các thị trường nói tiếng Trung, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Thứ trưởng Hồ An Phong yêu cầu phải tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả cũng như cần đo lường kết quả, tính toán hiệu quả các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch trong năm 2025.

“Đơn cử như sau chương trình xúc tiến du lịch điện ảnh tại Hoa Kỳ năm nay, thì sang năm 2025 Việt Nam sẽ đón các nhà làm phim Mỹ đến khảo sát, đặt vấn đề làm phim, qua đó giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài và thu hút khách đông hơn... Công tác quảng bá xúc tiến du lịch thời gian tới một mặt cần lựa chọn thị trường nguồn để phù hợp các điểm đến khác nhau trong nước, mặt khác xây dựng sản phẩm trong nước đáp ứng đúng nhu cầu của khách quốc tế và tạo nguồn cung để kích cầu,” Thứ trưởng nói.

Lãnh đạo ngành cho rằng Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới với quy mô lớn hơn, hiệu quả doanh thu cao hơn, tác động về môi trường ít hơn và bền vững hơn. Trong đó, hoạt động quảng bá giới thiệu điểm đến, kết hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp và cộng đồng du lịch rất quan trọng.

“Cơ quan lý Nhà nước với vai trò định hướng, dẫn dắt, kết nối, sẽ tạo môi trường tốt nhất trong quảng bá, xúc tiến du lịch… Ngoài ra, cần kết nối từ lữ hành, vận tải, nhà hàng để xây dựng những gói combo nhằm tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh cao. Bản chất của du lịch là liên kết. Do đó cần khắc phục tình trạng đơn thương độc mã, mạnh ai nấy làm. Muốn đi xa phải đi cùng nhau,” Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh./.

 Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hội chợ ITB Asia 2024, tại Singapore hồi tháng 10/2024. (Ảnh: Đỗ Vân/TTXVN)

Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tham gia hội chợ ITB Asia 2024, tại Singapore hồi tháng 10/2024. (Ảnh: Đỗ Vân/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quang-ba-xuc-tien-du-lich-2025-se-khac-phuc-tinh-trang-don-thuong-doc-ma-post999998.vnp