Quảng bá, xúc tiến du lịch: 'Muốn đi xa, phải đi cùng nhau'
Tại Hội nghị công tác xúc tiến du lịch năm 2024, do Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức, chiều 10/4, các đại biểu cho rằng, muốn quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả thì cả nhà nước, địa phương và doanh nghiệp phải hợp sức.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Hậu đại dịch Covid-19, hoạt động du lịch và bối cảnh thế giới có nhiều biến động, do đó, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch cũng phải thay đổi cách làm, cách tiếp cận, thay đổi thị trường.
“Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch như một dòng chảy không ngừng. Do đó, hoạt động này cần phải được thực hiện một cách kiên trì, liên tục, thường xuyên, và phải làm thật ấn tượng thì thương hiệu, hình ảnh du lịch Việt Nam mới không bị lãng quên”, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong các kế hoạch, nhiệm vụ quảng bá, xúc tiến du lịch hàng năm đều rất rộng, nhiều địa bàn, nhiều thị trường trọng điểm và thị trường tiềm năng, nhưng nguồn lực lại có hạn nên hiệu quả chưa như mong đợi. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn huy động xã hội hóa nhất là sự hợp sức của các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để tạo được các hoạt động, sự kiện xúc tiến du lịch có điểm nhấn mang tầm quốc gia.
Về các thị trường ưu tiên quảng bá, xúc tiến trong năm 2024, Thứ trưởng Hồ An Phong cho rằng, Hoa Kỳ, Australia, Ấn Độ, Dubai, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất… là những thị trường tiềm năng cần hướng tới.
“Hội nghị mong được lắng nghe những ý kiến đóng góp, nguyện vọng từ các địa phương, doanh nghiệp trong quá trình quảng bá, xúc tiến du lịch. Từ đó, định vị Việt Nam là điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam”, Thứ trưởng Hồ An Phong nói.
Đánh giá kết quả phục hồi du lịch thời gian gần đây, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia cho biết: Năm 2023 là năm phục hồi mạnh mẽ của du lịch Việt Nam, với tỷ lệ 68%, đón 12,6 triệu lượt khách quốc tế, 108 triệu lượt khách nội địa, tổng thu 678.000 tỷ đồng. “Kết quả này ở trên mức trung bình của khu vực”, ông Hà Văn Siêu nói.
Dẫn số liệu 3 tháng đầu năm 2024, du lịch Việt Nam đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2019; ông Hà Văn Siêu cho rằng, với đà này, Việt Nam có thể đạt mục tiêu 17 – 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm nay, thậm chí hơn con số này và vượt năm 2019.
Với mục tiêu trên, yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động quảng bá xúc tiến du lịch đặt ra tại Nghịquyết số 82/NQ-CP và Chỉ thị 08/CT-TTg của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là: Tạo đột phá, thay đổi tư duy; làm nổi bật thương hiệu, xứng tầm; Liên kết, thống nhất, đồng bộ.
Yêu cầu từ thực tiễn đòi hỏi công tác xúc tiến du lịch phải đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của khu vực và thế giới; bắt kịp xu hướng thay đổi của thị trường, công nghệ.
Ông Hà Văn Siêu cho biết, mặc dù có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc có trách nhiệm của các địa phương, sự đồng hành, sát cánh của cộng đồng doanh nghiệp; đặc biệt là chính sách thị thực, xuất nhập cảnh được cải thiện mạnh mẽ.
Tuy nhiên, có nhiều thách thức đối với hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam như: Sự cạnh tranh gay gắt giữa các điểm đến về thu hút khách du lịch quốc tế sau dịch Covid-19; Giá cả dịch vụ, vé máy bay cao do giá nguyên liệu đầu vào tăng; xung đột chính trị, kinh tế ảnh hưởng đến việc thu hút khách từ một số thị trường nguồn; các xu hướng mới của thị trường, công nghệ đòi hỏi công tác nghiên cứu, dự báo và phản ứng kịp thời, hiệu quả; cơ chế phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân kinh phí từ Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch chưa khơi thông; cơ chế trao đổi, chia sẻ, hợp tác giữa Trung ương và địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp chưa hiệu quả. Ngành du lịch chưa có lực lượng xúc tiến tại chỗ thông qua các Văn phòng xúc tiến du lịch ở nước ngoài…
Do đó, để tạo đột phá cho hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Hà Văn Siêu cho biết, ở cấp Trung ương, năm 2024, ngành du lịch đặt mục tiêu tham gia 3 Hội chợ quốc tế gồm: WTM London; CITM Trung Quốc và ASEAN – Trung Quốc. Cùng với đó là 6 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại Bắc Mỹ, Australia, Trung Quốc, châu Âu, ASEAN và Ấn Độ.
Sẽ tổ chức 3 Lễ hội du lịch - văn hóa Việt Nam tại Tokyo và Kanagawa (Nhật Bản), Hàn Quốc. Tổ chức 10 famtrip, presstrip đón các đoàn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Ấn Độ, Australia, Hoa Kỳ, châu Âu, Đài Loan.
Đặc biệt, sẽ có chương trình xúc tiến du lịch – điện ảnh tại Los Angeles, Hoa Kỳ, dự kiến vào quý II. Đây sẽ là điểm nhấn quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 của Việt Nam.
Để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch số; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến có trọng tâm, trọng điểm; đa dạng hóa loại hình, cách thức tiếp cận thị trường; huy động nguồn lực, phối hợp triển khai các công tác hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch.
Tại hội nghị, đại diện ngành du lịch các địa phương, các doanh nghiệp đã có những ý kiến, đề xuất trong việc đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho rằng, “muốn đi xa, phải đi cùng nhau”, cần đẩy mạnh việc liên kết, hợp tác giữa các đơn vị du lịch thay vì hoạt động riêng lẻ. Bên cạnh đó, cần tận dụng các liên hoan phim quốc tế, đưa du lịch gắn với điện ảnh, thông qua đó lồng ghép những điểm đến đẹp của Việt Nam bằng các câu chuyện, nội dung phim.
Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Sở Du lịch TP.HCM kiến nghị thêm: Cần xác định các sự kiện xúc tiến trọng điểm, xuyên suốt trong năm, tạo hiệu ứng thu hút du lịch, từ đó, xây dựng thành sự kiện thường niên, tạo dấu ấn với du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, làm tốt công tác truyền thông, xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, phối hợp đơn vị truyền thông quốc tế, đưa các hoạt động, điểm đến của địa phương đến với thế giới. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với từng địa phương, đẩy mạnh kết nối tới các địa bàn trọng điểm, tổ chức "Ngày Việt Nam" tại nước ngoài và có hướng dẫn cụ thể hơn để phân loại, điều tra, đánh giá tài nguyên du lịch.