Quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP
Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai từ năm 2019, đến nay toàn tỉnh có 83 sản phẩm OCOP, trong đó, có 51 sản phẩm đạt chứng nhận 3 sao, 31 sản phẩm đạt 4 sao cấp tỉnh và 1 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia. Cùng với phát triển các sản phẩm OCOP, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm luôn được các cấp, ngành, doanh nghiệp, HTX quan tâm đẩy mạnh, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh ngày càng phát triển, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Sản phẩm OCOP của tỉnh tham gia Tuần lễ Thương mại, du lịch và nông sản an toàn tỉnh Sơn La tại Đà Nẵng.
Festival trái cây và sản phẩm OCOP Việt Nam năm 2022 được tổ chức tại tỉnh Sơn La trong tháng 5 vừa qua đã hội tụ trên 1.300 sản phẩm là đặc sản vùng miền của 56 tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó, sản phẩm của tỉnh Sơn La có hơn 220 mặt hàng nông, lâm, thủy sản của 12 huyện, thành phố. Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Festival là cơ hội để quảng bá rộng rãi các sản phẩm nông sản địa phương, sản phẩm OCOP đến du khách; đồng thời kết nối tiêu thụ, đẩy mạnh chuỗi cung ứng ra thị trường cả nước và giới thiệu với khách quốc tế, hướng tới xuất khẩu. Do đó, Sở đã phối hợp với các sở, ngành của tỉnh vận động các doanh nghiệp, HTX mang đến hơn 70 sản phẩm OCOP gồm nông sản tươi sống và nông sản chế biến; các loại đồ uống; các sản phẩm có thành phẩm từ cây dược liệu, làm từ bông, sợi, gỗ, kim loại, dệt may...
Ông Lê Văn Kính, Giám đốc HTX nuôi ong mật Sông Mã, chia sẻ: Sản phẩm mật ong của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, với sản lượng 50 tấn mật/tháng. HTX đã đưa sản phẩm mật ong trên các website giới thiệu nông sản, thực phẩm an toàn, vừa chú trọng giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện truyền thông và tham gia các hội chợ, triển lãm, nhất là tham gia Festival, giúp sản phẩm có cơ hội lan tỏa đến nhiều người tiêu dùng trong cả nước. Đến nay, ngoài các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm của HTX đã có mặt tại một số chuỗi siêu thị của tỉnh, một số siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận.
Quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP, toàn tỉnh đã xây dựng 10 điểm giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các huyện Mộc Châu, Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Thành phố và đưa các sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với Ban xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh ký kết biên bản ghi nhớ, thiết lập mối quan hệ hợp tác, thống nhất phát huy thế mạnh, nhằm tuyên truyền, quảng bá kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP của 2 tỉnh đến với thị trường... Bên cạnh đó, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát và bước vào giai đoạn thích ứng, phục hồi, từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Sơn La cũng đã tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra phạm vi ngoài tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX tham gia các hội chợ, tuần hàng tại Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh... để tăng cơ hội giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp thu mua, chế biến nông, lâm, thủy sản. Qua đó, nhiều sản phẩm đã được hỗ trợ, thúc đẩy liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh ký kết các hợp đồng tiêu thụ.
Xây dựng sản phẩm OCOP, nhiều doanh nghiệp, HTX đã đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, cải tiến mẫu mã, bao bì..., tăng sức cạnh tranh trên thị trường và phát huy giá trị các sản phẩm tiềm năng, lợi thế của từng vùng. Ông Phạm Văn Doanh, Giám đốc Công ty TNHH Trà Thu Đan, xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu, chia sẻ: Ngoài việc được huyện hỗ trợ 150 triệu đồng thiết kế bao bì, Công ty đầu tư 250 triệu đồng để hoàn thiện sản phẩm. Sau khi có chứng nhận OCOP 4 sao, sản phẩm trà Ô long Thu Đan đã tạo niềm tin đối với khách hàng, sản lượng, chất lượng sản phẩm được khẳng định. Nhờ đó, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, sản phẩm của Công ty bán trên sàn thương mại điện tử được nhiều khách hàng quan tâm, ủng hộ. Trung bình mỗi năm, Công ty xuất bán ra thị trường trong và ngoài nước 300 tấn trà Ô long.
Giai đoạn 2022-2030, tỉnh Sơn La phấn đấu có thêm từ 150-200 sản phẩm OCOP; 100% các xã đăng ký tham gia vào chương trình OCOP. Để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, các ngành, địa phương và chủ cơ sở sản xuất cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ; tăng cường quản lý giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng.