Quảng Bình 'cài điều kiện' gây khó cho các tổ chức tham gia đấu giá?
Trong phương án bán đấu giá và hồ sơ mời đấu giá tài sản Nhà nước đầu tư tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng bị các tổ chức tham gia đấu giá 'tố' là có 'cài điều kiện' tiên quyết gây khó cho họ, sau khi trúng đấu giá.
Điểm du lịch Suối nước Moọc, Sông Chày – Hang Tối đang bị “nhóm lợi ích” thâu tóm.
Theo đó, ngày 18/11/2019, UBND tỉnh Quảng Bình ban hành Quyết định số 4492/QĐ-UBND về việc phê duyệt bán đấu giá tài sản Nhà nước đầu tư tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, gồm: tài sản tại điểm du lịch Suối nước Moọc; tài sản tại điểm du lịch Sông Chày – Hang Tối; tài sản tại Trạm Kiểm lâm Trộ Mợng – Hạt Kiểm lâm Phong Nha tại xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Giá khởi điểm bán đấu giá tài sản trọn gói là 63.155.066.000 đồng; thời gian bán đấu giá tài sản: dự kiến Quý IV năm 2019 và giao Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng hợp đồng với tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật để thực hiện bán đấu giá.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các tổ chức tham gia đấu giá thì trong phương án bán đấu giá và hồ sơ mời đấu giá, UBND tỉnh Quảng Bình đã ‘cài điều kiện’ tiên quyết gây khó cho nhà thầu, sau khi họ trúng đấu giá? Cụ thể, tại Điều 10, quy định hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá, gồm “Văn bản cam kết sẽ tiến hành thỏa thuận nhận chuyển nhượng tài sản không thuộc sở hữu nhà nước tại hai điểm du lịch Suối Nước Moọc và Sông Chày – Hang Tối với chủ sở hữu phần tài sản đó sau khi trúng đấu giá”. Các tổ chức cho rằng, với điều kiện nói trên của UBND tỉnh Quảng Bình đưa ra, dường như chỉ dành cho một đơn vị độc quyền trúng đấu giá đã được mặc định trước.
Theo tìm hiểu được biết, khi nhà nước đưa ra đấu giá tài sản, đây là vốn ngân sách và một phần hỗ trợ của tổ chức quốc tế vào dự án và các tài sản trên bằng vốn ngân sách nằm trên diện tích khu đất. Để chuẩn bị trước cho cuộc đấu giá này, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định cho một đơn vị khác thuê tài nguyên rừng trên toàn bộ dự án này và một số cá nhân tự phát bỏ tiền một số hạng mục – mà gọi là tài sản khác, không thuộc sở hữu của nhà nước nên buộc những tổ chức tham gia đấu giá phải thỏa thuận cam kết với các đơn vị nêu trên.
Bên cạnh đó, theo phản ánh của một số đơn vị tham gia đấu giá, đây là dự án ngân sách nhà nước ra đời trước. Quá trình có thể có các tổ chức hợp tác thì chủ dự án vẫn là của nhà nước nên nhà nước phải được quyền, cho nên các tổ chức đấu giá không phải cam kết với tổ chức có tài sản ngoài nhà nước trong dự án này. Nếu có liên quan thì cần phải được giải quyết trước khi đưa ra tổ chức đấu giá.
Dư luận cho rằng, đằng sau việc ‘cài điều kiện’ tiên quyết trên có dấu hiệu 'nhóm lợi ích', bởi sau khi đấu giá thành công, đơn vị trúng thầu sẽ rơi vào trường hợp, đó là không thỏa thuận được tài sản hoặc nếu có thỏa thuận được thì cũng phải trả lại giá cho 'nhóm lợi ích' một khoản tiền rất lớn.
Đặc biệt, sẽ gây thất thu ngân sách: nếu đưa ra đấu giá không có điều kiện tiên quyết thì nhiều tổ chức có quyền tham gia đấu giá nhưng nếu 1 – 2 đơn vị mà nằm trong “kịch bản” kế hoạch đấu giá của UBND tỉnh thì sẽ hạn chế giá. Bên cạnh đó, việc chỉ định giá khởi điểm là 63.155.066.000 đồng vì định giá rừng tài sản nhưng đây là đấu tài sản và quyền khai thác là hệ số thương mại rất lớn, gấp nhiều lần.
Trước sự việc trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ nếu thấy có tiêu cực thì nên thu hồi Quyết định số 4492/QĐ-UBND và cho dừng việc bán đấu giá tài sản Nhà nước đầu tư tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, tránh tình trạng “nhóm lợi ích” biến tướng, thâu tóm gây thất thoát tài sản của Nhà nước.
Nhà báo và Công luận sẽ tiếp tục thông tin.