Quảng Bình cần có tầm nhìn chiến lược, phát huy thế mạnh nổi trội trong phát triển
Sáng 15/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Chủ tịch nước đề nghị Quảng Bình cần đặt mục tiêu rõ ràng, chọn lọc và xác định rõ các mũi nhọn kinh tế, làm nổi bật sự khác biệt, định vị được vai trò của Quảng Bình trong chuỗi giá trị vùng, quốc gia.
Cùng dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Bình, thời gian qua, kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển ổn định, an ninh chính trị được giữ vững, nhất là an ninh biên giới. Năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 4,83% so năm 2020, thu ngân sách đạt hơn 7.133 tỷ đồng. GRDP 6 tháng đầu năm 2022 đạt 6,96%.
Một trong những điểm sáng của tỉnh là hoàn thành Dự án cụm Trang trại điện gió B&T với công suất 252MW (tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng), phát điện thương mại ngày 31/10/2021; hoàn thành Dự án năng lượng mặt trời Dohwa tại huyện Lệ Thủy công suất 49,5MWp, tổng mức đầu tư 1.037 tỷ đồng; triển khai thi công Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I công suất 1.200MW, tổng vốn đầu tư 41.000 tỷ đồng...
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước biểu dương thành tựu của Quảng Bình thời gian qua, đặc biệt là những bước tiến sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Bình luôn nỗ lực cố gắng, vượt qua khó khăn, thách thức, giành được nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế, xã hội, với nhiều điểm sáng.
Năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có 13 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch; GRDP tăng 4,83%. Tỷ lệ che phủ rừng của Quảng Bình đứng thứ nhì cả nước, nỗ lực xây dựng nông thôn mới trong điều kiện khó khăn, với 88/128 xã trong tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 68,75%) đời sống người dân được cải thiện, chính quyền luôn chăm lo đời sống của người dân, từ học hành đến chăm sóc y tế và cung cấp phúc lợi cho người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số. Sản xuất công nghiệp duy trì tăng trưởng vững chắc; du lịch Quảng Bình tiếp tục được các tổ chức, tạp chí trong nước và quốc tế đánh giá cao.
Chủ tịch nước cũng đề cập một số khó khăn, thách thức của Quảng Bình như là vùng đất khó khăn, đồi núi chiếm 85%, thời tiết khắc nghiệt, chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu và nước biển dâng; nằm ở trung điểm hẹp của cả nước, khó khăn trong liên kết phát triển; cơ sở hạ tầng lạc hậu, quy mô kinh tế nhỏ, sức cạnh tranh thấp; chất lượng nguồn nhân lực là một thách thức lớn trước yêu cầu phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh ở mức thấp; nguồn thu ngân sách còn hạn chế, kinh tế, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao…
Nhấn mạnh Đảng và Nhà nước đặt nhiều kỳ vọng vào Quảng Bình, Chủ tịch nước đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo toàn diện, trong đó tập trung bám sát tiềm năng, thế mạnh nổi trội nhất và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển. Tỉnh cần phát huy lợi thế của các mối liên kết vùng, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế dựa trên 4 ngành trụ cột, gồm: du lịch, nông nghiệp thông minh, công nghiệp và phát triển bền vững kinh tế biển. Cần đặt mục tiêu rõ ràng, chọn lọc và xác định rõ các mũi nhọn kinh tế, làm nổi bật sự khác biệt, định vị được vai trò của Quảng Bình trong chuỗi giá trị vùng, quốc gia.
Cho rằng Quảng Bình là viên kim cương xanh, có biển xanh, môi trường xanh, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần có tầm nhìn xa để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, và các dịch vụ đi kèm; nhất là ở khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng, ven biển, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ, hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ, phát huy giá trị di sản, bảo đảm bền vững trong phát triển du lịch. Quan tâm nghiên cứu quy hoạch, xem xét các vấn đề liên quan đến vùng đệm và lõi di sản thiên nhiên thế giới này.
Cùng với đó, huy động nguồn lực, phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như: du lịch và dịch vụ biển, công nghiệp ven biển, nuôi trồng và khai thác hải sản, kinh tế hàng hải và các ngành kinh tế biển mới; khai thác khoáng sản biển, năng lượng tái tạo; kiểm soát khai thác tài nguyên biển, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ chủ quyền biển, đảo, nâng cao đời sống người dân vùng biển.
Phát triển công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm, động lực phát triển, tạo liên kết vùng với các khu kinh tế trọng điểm của các tỉnh trong khu vực, tập trung các ngành công nghiệp chủ lực, có lợi thế cạnh tranh. Phát triển mạnh tiểu, thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn, tập trung các sản phẩm phục vụ du lịch, xuất khẩu. Phát triển ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Chủ tịch nước cũng yêu cầu tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để phát triển đô thị hiện đại. Ngoài các quốc lộ trọng điểm, đường sắt, và cảng biển Hòn La, tỉnh cần tập trung mở phát triển sân bay Đồng Hới; nâng cao hiệu quả hành lang kinh tế Đông-Tây nối từ Khu kinh tế cửa khẩu Cha Lo ra cảng Hòn La, tạo thành cửa ngõ quan trọng thông ra Biển Đông nhằm tạo sự kết nối kinh tế hoàn chỉnh hạ tầng.
Để phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị Quảng Bình tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của tỉnh hướng vào thực chất, hiệu quả, thông thoáng, thuận lợi, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công, áp dụng chính phủ số trong cung cấp dịch vụ công; khuyến khích phát triển các hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số để rút ngắn khoảng cách về vị trí địa lý và hạn chế về cơ sở hạ tầng. Tỉnh cũng cần chăm lo giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; chú trọng phòng, chống thiên tai, nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng lũ, vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, chú trọng vấn đề an ninh và quốc phòng, củng cố khả năng phòng thủ và tăng cường tuyến phòng thủ trên biển và trên đất liền, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, bảo đảm an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương; phòng, chống tội phạm về ma túy, buôn lậu.