Quảng Bình cần khai thác thế mạnh của 'viên kim cương xanh' trong phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh khai thác thế mạnh của “viên kim cương xanh” để phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm.
Tiếp tục chương trình công tác tại Quảng Bình, sáng 15/6, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình. Cùng dự buổi làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo một số bộ, ngành. Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước lưu ý tỉnh khai thác thế mạnh của “viên kim cương xanh” để phát triển, đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý “trụ đỡ” nông nghiệp khi đa số người dân của tỉnh, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.
Sau khi nghe lãnh đạo tỉnh báo cáo và các bộ, ngành phát biểu ý kiến, phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, quyết tâm đưa tỉnh nhà tiến bước bằng chương trình hành động cụ thể.
Năm ngoái, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh vẫn đạt và vượt kế hoạch 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Điểm sáng của tỉnh là hoàn thành nhiều dự án trọng điểm về năng lượng, như Cụm Trang trại điện gió B&T với công suất 252MW, tổng mức đầu tư 8.200 tỷ đồng, đã phát điện thương mại từ cuối năm ngoái. Tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đứng thứ hai cả nước. Toàn tỉnh đã có 88/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới (đạt gần 69%). Công tác dân tộc được quan tâm, nhất là phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do tỷ lệ đồi núi chiếm gần 80%, thời tiết khắc nghiệt, thiên tai, bão lũ. Tỉnh có quy mô kinh tế nhỏ, cơ sở hạ tầng còn lạc hậu, sức cạnh tranh thấp; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư; ngân sách tỉnh vẫn phụ thuộc phần lớn từ hỗ trợ của ngân sách trung ương; tỷ lệ hộ nghèo còn cao…
Từ thực tế đó, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo, Quảng Bình phải khai thác được những lợi thế riêng có, đặc sắc nhất để phát triển, trong đó cần phát triển du lịch trở thành ngành mũi nhọn, trọng điểm.
Chủ tịch nước cho rằng, đã có lần Chủ tịch nước phát biểu ở đây, Quảng Bình là một viên kim cương xanh, không chỉ biển xanh mà còn rừng xanh, môi trường xanh. Quảng Bình có đủ điều kiện phát triển như sân bay, bến cảng, có di sản thiên nhiên thế giới, có biên giới. Những điều kiện như vậy không phải tỉnh nào cũng có. Chính vì vậy Chủ tịch nước lưu ý tỉnh Quảng Bình cần có tầm nhìn lâu dài trong phát triển.
"Ví dụ du lịch là vấn đề chiến lược, tôi từng nói Quảng Bình cần làm nhiều sân gôn, các đồng chí cần làm để thu hút khách, phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch thể thao, du lịch văn hóa… Những vấn đề đó cần thực hiện để giải quyết trọng tâm phát triển này"- Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh quan tâm bảo vệ Di sản thiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để xem xét nghiêm túc quy hoạch để có phương án vừa bảo vệ, vừa khai thác di sản một cách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong phát triển kinh tế xã hội tổng thể, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tỉnh cần tập trung 4 trụ cột là du lịch, nông nghiệp thông minh, phát triển công nghiệp và phát triển bền vững kinh tế biển. Trong đó, phải đặc biệt lưu ý người dân trong tỉnh có tỷ lệ lớn là sinh sống ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Chủ tịch nước lưu ý, người dân sống bằng nông nghiệp là chính, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số. Vậy quan tâm đến nông nghiệp đặc biệt như thế nào trong phát triển để đảm bảo "cái ăn, cái mặc", đời sống cần thiết cho người dân.
"Nói phát triển du lịch thì chỉ một bộ phận mang lại thu nhập, nhưng nếu nông nghiệp không coi trọng thì 80-90% người dân từ nông nghiệp chúng ta phải quan tâm đặc biệt. Từ đó chúng ta tái cơ cấu cây trồng vật nuôi để mang lại thu nhập cho nông dân. Chỉ cần nông dân Quảng Bình mất mùa trong 1 năm dân sẽ bị đói. Do đó phải lo vấn đề này trong điều kiện biến đổi khí hậu đặc biệt của tỉnh Quảng Bình. Giám đốc, Phó Giám đốc Sở nông nghiệp phải sâu sát từng vùng miền, tiểu khí hậu để biết làm gì mang lại thu nhập cho người nông dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn"- Chủ tịch nước nhấn mạnh
Chủ tịch nước đề nghị Quảng Bình phát triển các ngành công nghiệp chủ lực có lợi thế cạnh tranh như công nghiệp điện, năng lượng tái tạo; khai thác thế mạnh biển để phát triển các ngành kinh tế biển. Sử dụng ngân sách trong phát triển hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh để thu hút đầu tư. Thúc đẩy chuyển đổi số trong cung cấp dịch vụ công để khắc phục thực tế địa bàn rộng lớn, hạ tầng chưa phát triển…
Tỉnh cũng cần chú trọng vấn đề an ninh và quốc phòng, củng cố khả năng phòng thủ và tăng cường tuyến phòng thủ trên biển và trên đất liền, giữ vững chủ quyền lãnh thổ quốc gia, ngăn chặn từ xa, từ sớm các dấu hiệu tội phạm vùng biên giới; bảo đảm an biên giới, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương; phòng chống tội phạm về ma túy, buôn lậu.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch nước cũng cho ý kiến vào một số kiến nghị của địa phương và giao các cơ quan chức năng tháo gỡ, xem xét giải quyết.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trữ, 95 tuổi và thăm, tặng quà thương binh Nguyễn Thống, sinh năm 1959, cùng sống tại Thành phố Đồng Hới./.