Quảng Bình: Chuẩn bị kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Kỷ niệm 100 ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023), tỉnh Quảng Bình chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động chính trị, văn hóa - xã hội có ý nghĩa.

Sáng nay (14/2), UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức họp báo, thông báo về công tác chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 - 1/3/2023).

Theo kế hoạch, Lễ kỷ niệm sẽ được tổ chức vào lúc 14h ngày 24/2/2023 tại Trung tâm văn hóa và điện ảnh tỉnh Quảng Bình.

 Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chủ trì họp báo.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chủ trì họp báo.

Thông tin tại cuộc họp báo, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, thông qua việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn để tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Trung tướng đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Trung tướng đối với nhân dân cả nước nói chung, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình nói riêng; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, quân và dân Quảng Bình đối với công lao của Trung tướng.
Lễ kỷ niệm cũng nhằm tuyên truyền về cuộc đời, hoạt động cách mạng; công lao, cống hiến, những đóng góp của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đối với độc lập dân tộc; góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với công cuộc đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo; giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; khích lệ các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ noi gương Trung tướng, ra sức học tập, lao động và cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng quê hương Quảng Binh ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Trong chuỗi kỷ niệm, sẽ tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên do Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

Phía Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Bình sẽ tổ chức trưng bày và triển lãm sách, hiện vật, hình ảnh về đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên với chủ đề: "Đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên - Cuộc đời và sự nghiệp" tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình từ ngày 15/02/2023 đến ngày 5/3/2023: Khai mạc triển lãm vào lúc 8h ngày 15/02/2023.

Ngoài ra, có chương trình sân khấu thực cảnh “Trở về bến phà xưa" do Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và nhà văn Nguyễn Quang Vinh thực hiện. Truyền hình trực tiếp vào lúc 20h ngày 22/2/2023 trên Đài Phát thanh-Truyền hình Hà Nội, Đài Phát thanh-Truyền hình Quảng Bình và nối sóng truyền hình Đài Phát thanh- Truyền hình cả nước để phục vụ Nhân dân.

 Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên.

Đồng chí Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 01/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1938 đến năm 1940, đồng chí tham gia hoạt động cách mạng trong các tổ chức hội quần chúng cứu quốc ở trường học và ở xã; tháng 12/1939 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; Bí thư Chi bộ xã Quảng Trung năm 1940. Năm 1941, đồng chí làm Phủ ủy viên lâm thời huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1942 đến tháng 2/1945, làm Ủy viên Ban cán sự tỉnh Quảng Bình phụ trách hai huyện Quảng Trạch và Tuyên Hóa.

Cuối năm 1942 địch khủng bố, cơ sở bị vỡ, đồng chí sang Thái Lan và Lào tiếp tục hoạt động, gây dựng cơ sở trong Việt kiều.

Tháng 3/1945, đồng chí Đồng Sỹ Nguyên về nước tham gia thành lập Ban cán sự tỉnh Quảng Bình (sau là Tỉnh ủy lâm thời), lập chiến khu, chuẩn bị khởi nghĩa. Tháng 8/1945, đồng chí được chỉ định vào Thường vụ Tỉnh ủy và làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Quảng Bình.

Từ năm 1946 đến năm 1948, đồng chí làm Bí thư Huyện ủy, kiêm Chính trị viên Huyện đội, Huyện đội trưởng huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, được cử đi học lớp Nguyễn Ái Quốc khóa I (năm 1946); làm Tỉnh ủy viên, Chính trị viên, kiêm Tỉnh đội trưởng tỉnh Quảng Bình (Tháng 5/1948).

Từ năm 1949 đến năm 1950, được cử đi học lớp quân sự Bộ Tổng Tư lệnh, công tác ở Phòng Đảng vụ, Cục Chính trị.

Từ năm 1951 đến tháng 1/1954, làm Cục phó Cục Tổ chức, Phái viên của Tổng Tư lệnh trong các chiến dịch Điện Biên Phủ, Hoàng Hoa Thám, tham gia Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Trung Lào.

Từ tháng 2/1954 đến tháng 3/1956, đồng chí phụ trách công tác trao trả tù binh ở Sầm Sơn và đón tiếp bộ đội miền Nam tập kết.

Từ tháng 4/1956 đến năm 1960, đồng chí lần lượt kinh qua các chức vụ Cục phó Cục Điều động dân quân, Cục trưởng Cục Động viên dân quân, Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu; Đồng chí được phong quân hàm Đại tá năm 1958.

Từ năm 1961 đến năm 1962, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Bắc Kinh. Năm 1964, đồng chí làm Bí thư Ban Chấp hành Đảng bộ cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, Tổng Tham mưu phó. Năm 1965, làm Chính ủy Quân khu 4, Bí thư Khu ủy; Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam ở Mặt trận Trung Lào. Năm 1966 giữ chức Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần phụ trách Tổng cục Tiền phương.
Từ năm 1967 đến tháng 5/1976, đồng chí đảm nhiệm các chức vụ: Tư lệnh Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đoàn 559; Bí thư Ban cán sự cố vấn Đảng, quân dân, chính, kiêm Tư lệnh Bộ đội tình nguyện ở Trung Hạ Lào. Đồng chí được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí tham gia Bộ Chỉ huy chiến dịch. Tháng 6/1976, đồng chí giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế, Bí thư Đảng ủy Tổng cục.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976), đồng chí được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; giữ chức Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng.
Từ năm 1977 đến tháng 2/1982, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng. Đầu năm 1979, đồng chí được điều trở lại quân đội làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu Thủ đô. Đến tháng 8/1979, đồng chí được điều trở lại giữ chức Bộ trưởng, Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Xây dựng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị; được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), đồng chí được bầu lại làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương Đảng bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị; giữ chức Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.
Năm 1991, đồng chí thôi giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, được cử làm Đặc phái viên Chính phủ thực hiện Chương trình 327 “trồng bảo vệ rừng phòng hộ”; tham gia chỉ đạo xây dựng đường Hồ Chí Minh.
Đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI; Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị khóa V; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VI; Đại biểu Quốc hội các khóa I, VI, VII, VIII.
Với những cống hiến, công lao to lớn và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, đồng chí Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân chương, huy chương, phần thưởng cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/quang-binh-chuan-bi-ky-niem-100-nam-ngay-sinh-trung-tuong-dong-sy-nguyen-135420.html