Quảng Bình: Đẩy mạnh truyền thông để thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai
Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, hiện nay, thói quen sử dụng miễn phí các phương tiện tránh thai của người dân tại Quảng Bình đang dần được xóa bỏ. Thay vào đó, nhiều người dân đã lựa chọn và chấp nhận trả chi phí phương tiện tránh thai phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.
Các chuyên gia nhận định, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về phương tiện tránh thai của người dân ngày càng đa dạng và phong phú. Việc xã hội hóa các phương tiện tránh thai là một xu thế tất yếu, không chỉ giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước mà còn từng bước thay đổi cách nghĩ của người dân trong việc chủ động sử dụng các biện pháp tránh thai tốt nhất và phù hợp với bản thân để bảo vệ sức khỏe.
Đơn cử, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) là một trong những địa phương làm tốt công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai. Xác định rõ tầm quan trọng của công tác này, từ nhiều năm nay, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch đã sớm triển khai công tác tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai thông qua các viên chức dân số xã và cộng tác viên dân số…
Theo bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng phòng DS-KKHGD, Trung tâm Y tế huyện Bố Trạch, xác định truyền thông là giải pháp đem lại hiệu quả cho việc triển khai thực hiện tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai nên phòng đã chủ động tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức khác nhau, như: Lồng ghép tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, kết hợp cộng tác viên đến từng thôn, từng nhà, từng đối tượng để người dân từng bước thay đổi nhận thức, hành vi...
Nhờ vậy, hiện nay, thói quen sử dụng miễn phí các phương tiện tránh thai của người dân tại huyện Bố Trạch đang dần được xóa bỏ. Thay vào đó, nhiều người dân đã lựa chọn và chấp nhận trả chi phí phương tiện tránh thai phù hợp với điều kiện kinh tế của mình.
Không riêng huyện Bố Trạch, tại tỉnh Quảng Bình, Đề án xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản (KHHGĐ/SKSS) tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015 – 2020 (Đề án 818) được triển khai từ năm 2016 trên toàn tỉnh và hiện vẫn tiếp tục được đẩy mạnh.
Để thực hiện Đề án, UBND Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 24/2/2017 về việc phê duyệt Đề án 818 trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã ban hành Công văn hướng dẫn thực hiện phân phối sản phẩm phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS gửi Trung tâm DS-KHHGĐ huyện, thị xã, thành phố; Công văn về việc tiếp tục triển khai Đề án 818 đáp ứng tình hình mới.
Theo đó, những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tích cực truyền thông, giới thiệu sản phẩm, tư vấn, nâng cao hiểu biết và khả năng lựa chọn của đối tượng để từng bước thay đổi nhận thức của người dân về việc chủ động mua sản phẩm thay vì sử dụng miễn phí các dịch vụ DS-KHHGĐ, thực hiện xã hội hóa các phương tiện tránh thai.
Để đa dạng hóa các sản phẩm phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS, tăng khả năng tiếp cận của người dân trên địa bàn tỉnh, Phòng Dân số các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức lồng ghép các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai vào các hội nghị truyền thông qua các mô hình, đề án nâng cao chất lượng dân số.
Mặc dù công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai đã được triển khai rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh, người dân từng bước nhận thức và thay đổi hành vi từ nhận các phương tiện tránh thai miễn phí sang chi trả dịch vụ KHHGĐ. Tuy nhiên, theo lãnh đạo ngành Dân số Quảng Bình, trong quá trình triển khai thực hiện, công tác xã hội hóa các phương tiện tránh thai vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Chẳng hạn, một bộ phận người dân vẫn còn tư tưởng phụ thuộc vào các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ miễn phí nên chưa quen với việc tự chi trả. Mặt khác, giá bán lẻ các mặt hàng phương tiện tránh thai và hàng hóa SKSS khá cao, một số sản phẩm cung ứng còn mới chưa được quảng bá rộng rãi trên thị trường, người tiêu dùng chưa biết đến và còn e ngại khi sử dụng sản phẩm.
Cùng với đó, một số ít địa phương chưa thật sự tập trung triển khai cung ứng hàng tiếp thị xã hội và xã hội hóa các phương tiện tránh thai tại đơn vị nên kết quả đạt được rất thấp so với chỉ tiêu được giao.
Để hoạt động xã hội hóa phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả cao, trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Bình và Phòng DS-KHHGĐ các huyện sẽ tiếp tục tăng cường công tác truyền thông để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của các phương tiện tránh thai hiện đại. Bên cạnh đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác xã hội hóa phương tiện tránh thai trên địa bàn tỉnh.