Quảng Bình: Gần 33.000 nhà dân bị ngập, 3 người chết và mất tích do mưa lũ
Tính đến 17 giờ chiều 29/10, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 32.885 hộ dân bị ngập lụt, 58 thôn bản bị chia cắt. Lực lượng chức năng đã di dời 1.249 hộ dân, sơ tán tại chỗ 9.123 hộ dân. Mưa lũ cũng khiến 1 người chết, 2 người mất tích, 5 tàu đánh cá bị chìm và hàng trăm hecta trồng hoa màu, nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Hàng chục nghìn hộ dân chìm trong lũ
Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình, do mưa lớn kéo dài suốt 3 ngày qua, hiện toàn tỉnh có 32.885 hộ dân bị ngập lụt. Trong đó, H.Lệ Thủy có 19.762 nhà (8.018 nhà ngập sâu trên 1m), H.Quảng Ninh có 12.123 nhà và TP.Đồng Hới 1.000 hà bị ngập.
Để ứng phó với tình hình mưa lũ, tỉnh Quảng Bình đã di dời 1.249 hộ dân với 3.681 nhân khẩu đến nơi cao ráo an toàn hoặc di dời nội bộ từ hộ nhà thấp sang nhà kiên cố, cao tầng. Cụ thể, H.Quảng Ninh di dời 1.105 nhà, H.Lệ Thủy đã tổ chức di dời 99 nhà, TP.Đồng Hới di dời 30 nhà, H.Bố Trạch di dời 13 nhà và H.Tuyên Hóa di dời 2 nhà. Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng sơ tán tại chỗ 8.018 nhà dân ở H.Lệ Thủy và 1.105 nhà dân ở H.Quảng Ninh . Hiện H.Quảng Ninh có 43 thôn bản bị ngập lụt, chia cắt.
Toàn tỉnh Quảng Bình vẫn còn 14 điểm giao thông bị ngập, trong đó có những điểm ngập sâu 1,7m, gây tắc đường. Những điểm giao thông bị ngập lụt này đều được các đơn vị quản lý dựng rào chắn, bố trí lực lượng trực gác cảnh báo 2 đầu hoặc lực lượng Cảnh sát giao thông đứng phân luồng, điều tiết hướng đi khác nhằm đảm bảo an toàn. Mưa lũ cũng khiến cho toàn tỉnh xảy ra 13 điểm sạt lở, trong đó H.Lệ Thủy 3 điểm, H.Bố Trạch 3 điểm, QL9B 3 điểm, TP.Đồng Hới 2 điểm và thị xã Ba Đồn 1 điểm.
Về nông nghiệp, H.Lệ Thủy thiệt hại 310ha trồng hoa màu, rau màu, 15,1ha diện tích cây lâu năm, diện tích cây trồng hàng năm 75ha, 403ha diện tích nuôi thủy sản, 43.000 con gia súc, gia cầm bị chết; TP.Đồng Hới thiệt hại 61ha trồng hoa màu, rau màu, 270ha nuôi trồng thủy sản mặn lợ, 82 lồng bè; H.Bố Trạch thiệt hại 6 hồ nuôi tôm (ước tính thiệt hại 600 triệu đồng); H.Quảng Ninh thiệt hại 3ha trồng hoa màu, rau màu, 16ha nuôi cá và 270 gia cầm bị chết.
Mưa lớn cũng khiến cho 5 tàu đánh cá gồm: tàu QB 11612 TS của anh Lê Xuân Hòa (SN 1978, trú thôn Tây Phú, xã Quang Phú, TP.Đồng Hới), tàu QB 11567 TS của ông Nguyễn Văn Tiến (SN 1952, trú tổ dân phố 7, phường Hải Thành, TP.Đồng Hới), tàu QB 17186 TS của ông Tô Hồng Bắc (SN 1972, trú thôn Hà Thôn, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới), tàu QB 92425 TS của anh Phạm Lợi (SN 1983, trú xã Đức Trạch, H.Bố Trạch) và tàu QB 17326 TS của anh Lê Thanh Hiền (SN 1979, trú xã Quang Phú, TP.Đồng Hới) bị chìm khi đang neo đậu tránh bão. Về hạ tầng, toàn tỉnh bị sạt lở 3.030m3 đất giao thông, 1,5km kè biển.
Ngày 27/10, anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002, trú thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy, H.Lệ Thủy), thành viên tổ xung kích phòng, chống thiên tai thôn Thanh Sơn trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn nhưng không may bị nước lũ cuốn trôi tử vong. Tiếp đó, ngày 28/10, ông Phạm Văn Cứ (SN 1960, trú thôn Trường An, xã Gia Ninh, H.Quảng Ninh) và anh Nguyễn Văn Bằng (SN 1985, trú thôn Xuân Bồ, xã Xuân Thủy, H.Lệ Thủy) cũng bị nước lũ cuốn trôi mất tích.
Lên phương án cứu trợ người dân ở các vùng bị ngập sâu
Sáng 29/10, UBND H.Quảng Ninh đã thành lập các đoàn trực tiếp đưa lương thực, thực phẩm đến các điểm ngập lụt để tiếp tế cho người dân. Ông Lê Ngọc Huân -Phó Chủ tịch UBND H.Quảng Ninh cho biết, hiện toàn huyện vẫn còn nhiều nơi bị ngập sâu do nước rút chậm. Tuy nhiên, với phương châm “4 tại chỗ”, lực lượng chức năng các cấp đã tập trung hỗ trợ, ứng cứu và cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân tại các điểm ngập lụt.
Đến nay, huyện đã thành lập các đoàn trực tiếp về các khu dân cư ngập sâu, các thôn, bản bị chia cắt để tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân, tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tế lương thực cho người dân.
Tương tự, UBND H.Lệ Thủy cũng đã huy động 10 thuyền của ngư dân các xã tham gia chở hàng cứu trợ, nhu yếu phẩm cần thiết cứu trợ cho người dân vùng ngập lụt.
Ông Lê Văn Sơn – Phó Chủ tịch UBND H.Lệ Thủy cho biết, trước mắt huyện sẽ huy động 3 thuyền tham gia hỗ trợ cứu hộ, tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân vùng bị ngập sâu. Sau đó, tùy vào tình hình thực tế sẽ bố trí các thuyền của ngư dân làm nhiệm vụ hợp lý. Các thuyền của ngư dân tham gia chở hàng cứu trợ đều có kinh nghiệm tham gia cứu hộ, cứu nạn trong trận lũ lịch sử năm 2020.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, ông Trần Thắng -Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh chủ trì cuộc họp triển khai công tác ứng phó và khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn kiêm ban Chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành đã phân tích, đề xuất các giải pháp nhằm ứng phó hiệu quả với diễn biến phức tạp của mưa lũ nhằm sớm khắc phục hậu quả, ổn định đời sống nhân dân. Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thắng đánh giá cao sự chủ động của các địa phương, đơn vị trong triển khai các phương án ứng phó với thiên tai, mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”, đặt an toàn của người dân lên hàng đầu. Ông Thắng yêu cầu cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ Tìm kiếm cứu nạn kiêm Ban chỉ huy phòng thủ dân sự tỉnh tiếp tục bám sát diễn biến mưa lũ, kịp thời thống kê chính xác thiệt hại để tham mưu cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hậu quả. Theo đó, các ngành, địa phương tiếp tục bám sát tình hình diễn biến ngập lụt để chủ động công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng bị ngập lụt, bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống sinh hoạt người dân.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Bình phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh Quảng Bình tổ chức lực lượng, phương tiện ứng phó với mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn. Tiếp tục nắm chắc tình hình mưa lũ, nhất là tại các địa bàn bị chia cắt, vùng có nguy cơ sạt lở, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản nhân dân.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu các cơ quan truyền thông thông tin kịp thời, chính xác về tình hình mưa lũ, công tác chủ động ứng phó, phục vụ công tác lãnh đạo chỉ đạo của chính quyền các cấp, cũng như kịp thời tuyên truyền, khuyến cáo người dân những việc nên và không nên làm trước, trong và sau mưa lũ.