Quảng Bình: Giá vật liệu tăng, nhà thầu và người dân gặp nhiều khó khăn
Từ đầu năm đến nay, giá các loại vật liệu xây dựng đồng loạt tăng cao khiến nhà thầu, đơn vị thi công, chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chậm tiến độ và chất lượng công trình, thậm chí nhiều công trình phải dừng thi công.
Trong quý I và đầu quý II/2022, các doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng đều nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp các loại vật liệu xây dựng. Không chỉ giá sắt, thép tăng cao (khoảng 40%) mà gần như giá tất cả các loại vật liệu như: Xi-măng, cát, đá, nhôm, kính… đều đang tăng khiến nhiều doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng gặp khó.
Ông Nguyễn Ngọc Tân - chủ thầu xây dựng công trình nhà văn hóa thôn Xuân Hải, xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) quy mô 300m2 cho biết: Vừa qua, một số Công ty cung ứng thép như: Hòa Phát, Việt Đức, Việt Nhật, Việt Ý, Pomina... thông báo giá thép cây tăng thêm vài trăm ngàn đồng/tấn. Như vậy, từ đầu tháng 3 đến nay, giá thép đã tăng 3 lần với tổng mức tăng 1,6 triệu đồng/tấn thép. Nếu tính từ đầu năm 2022 đến nay, giá thép đã tăng 6 lần; tăng 16,5-17 triệu đồng/tấn lên khoảng hơn 19,5 triệu đồng/tấn. Trong khi đó, các loại xi măng cũng tăng giá thêm 50.000-100.000 đồng/tấn.
“Chỉ trong mấy tháng đầu năm mà giá vật liệu xây dựng tăng mạnh nhiều lần như vậy nên không nhà thầu nào chịu nổi nếu đã ký hợp đồng từ năm trước. Đa phần các nhà thầu phải bù lỗ vì giá thép, xi măng tăng cao, đồng thời cắt giảm lợi nhuận để nuôi nhân công, chi phí xe máy, thiết bị… để kịp hoàn thành công trình bàn giao cho chủ đầu tư”, ông Nguyễn Ngọc Tân than thở.
Nhiều loại vật liệu xây dựng khác như: Cát, bê tông, đá cấp phối, đất, cát san lấp mặt bằng... cũng đua nhau tăng giá. Qua khảo sát cho thấy, giá cát san lấp khoảng 150.000-200.000 đồng/m3, cát xây tô có giá 400.000-450.000 đồng/m3; gạch xây có giá dao động 1.400-1.500 đồng/viên; các loại đá xây dựng có giá 310.000 đồng/m3; gạch men tăng khoảng 50.000 đồng/tấn lên 250.000 đồng/m2; sơn nước tăng 1,2 lên 1,4-1,7 triệu đồng/thùng…
Nhiều nhà cung cấp vật liệu xây dựng cho biết, chưa bao giờ, các loại giá vật liệu xây dựng, các sản phẩm liên quan đến xây dựng dân dụng lại tăng nhiều như hiện nay. Ông Ngô Minh Nhân - Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng 285 cho hay: Ngược lại với biến động giá của thế giới, giá thép tại thị trường Việt Nam trong tháng 5/2022 vẫn duy trì ở mức cao. Cụ thể, giá thép cuộn CB240 Hòa Phát ở miền Bắc với mức 18.940 đồng/kg, giá thép thanh D10 CB300 là 19.040 đồng/kg; riêng miền Trung và miền Nam từ 18.890 - 19.090 đồng/kg. Điều này khiến cho các đơn vị trung gian, đại lý cung cấp cho các công trình... dù không muốn tăng giá nhưng các công ty đã thông báo tăng họ phải tăng kéo theo tác động dây chuyền đến cả nhà thầu, đơn vị thi công đều bị ảnh hưởng từ giá thành vật liệu xây dựng.
Giá nguyên vật liệu cũng như giá xăng, dầu tăng liên tục đã đẩy phí vận chuyển tăng nên các đơn vị cung cấp đương nhiên tăng giá. Trong khi các đơn vị đã ký hợp đồng với chủ đầu tư, chủ nhà nên không thể tăng giá lên được, vì vậy nguy cơ lỗ hoặc lãi ít rất lớn trong năm 2022.
Theo tính toán của nhiều chủ thầu xây dựng, mỗi công trình chỉ lời khoảng 5%. Trong khi giá vật liệu xây dựng tăng trong thời gian qua vượt quá mức 10%, do đó chắc chắn các nhà thầu sẽ lỗ nếu tiếp tục thi công. Qua khảo sát thực tế cho thấy, do hầu hết các chủ đầu tư đều sử dụng loại hợp đồng trọn gói hoặc đơn giá cố định không điều chỉnh ở thời điểm ký kết nên phải tự bù lỗ khi giá nguyên vật liệu tăng.
Theo đại diện nhà thầu Công ty TNHH Kỹ thuật Tân Quang đang thi công Dự án sửa chữa công trình cầu treo Thanh Sen, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch), chưa bao giờ các nhà thầu xây dựng gặp khó khăn như lúc này. Trong tình trạng “bão giá” vật liệu xây dựng, việc đặt mua vật tư, thiết bị mất khá nhiều thời gian, giá cả bị “đội” lên nhiều, khiến cho tiến độ lắp ráp các hạng mục cũng bị trượt tiến độ. Nhiều nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng “càng làm nhiều, càng lỗ nhiều”.
Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng liên tục, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Hồng Minh đã ký Công văn số 959/BXD-KTXD ngày 23/3/2022 yêu cầu các địa phương vào cuộc ngăn đầu cơ, thổi giá, công bố kịp thời đơn giá vật liệu sát với thị trường để hỗ trợ các nhà thầu. Bởi, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ gây khó khăn, vướng mắc cho công tác lập, quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và công tác giải ngân của các dự án.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng Quảng Bình, xuyên suốt thời gian qua, giá nguyên vật liệu thực tế trên thị trường ở tỉnh tăng cao so với đơn giá ban hành hàng tháng gây bất lợi lớn cho các doanh nghiệp xây dựng, tạo nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Giá thép, cát xây dựng, xăng dầu... đồng loạt tăng giá làm nhiều đơn vị trúng thầu xây dựng gặp nhiều khó khăn dẫn đến chậm tiến độ và chất lượng công trình.
Ngoài ra, tác động từ giá xăng dầu tăng khiến dự toán tổng mức đầu tư ban đầu chênh lệch rất lớn với tình hình thực tế. Các nguyên vật liệu thép chiếm tỷ trọng về giá cao nhất trong giá thành xây dựng, chiếm khoảng 20% giá trị nên các nhà thầu xây dựng vô cùng khó khăn. Do các hợp đồng xây dựng giữa chủ đầu tư và nhà thầu đa số được ký theo hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng đơn giá cố định.