Quảng Bình khắc phục thiệt hại, chuẩn bị ứng phó với mưa lớn
Những ngày qua, tại tỉnh Quảng Bình có mưa lớn làm nhiều nơi bị ngập cục bộ, giao thông chia cắt, hư hỏng đê điều, sạt lở núi. Hôm nay (15/10), tranh thủ thời tiết tạnh ráo, người dân khẩn trương dọn dẹp, khắc phục thiệt hại, kê cao đồ đạc chuẩn bị ứng phó với những đợt mưa lớn sắp tới.
Mưa lớn, nước dâng cao làm sạt lở 30m kè chống xói lở sát nhà thờ Xuân Hải, xã Quảng Phú, huyện Quảng Trạch. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng phòng, chống bão lũ và người dân thực hiện gia cố tạm thời bằng bao cát. Mưa lớn những ngày qua đã chia cắt giao thông, cô lập 20 thôn bản khu vực biên giới tỉnh Quảng Bình. Các ngầm tràn ngập sâu từ 0,5 - 1 mét. Khi nước lũ trên các khe suối dần rút, chính quyền địa phương đã vận chuyển lương thực vào các bản làng, kịp thời hỗ trợ nhân dân sẵn sàng ứng phó đợt mưa sắp tới.
Tại huyện Tuyên Hóa, mưa lớn làm sạt lở đất đồi, ảnh hưởng đến các hộ dân tại thôn Đồng Phú, xã Đồng Hóa. Chính quyền huyện đã tổ chức lực lượng hỗ trợ các gia đình di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Huyện Tuyên Hóa là địa phương có địa hình phức tạp, nằm sát sông Gianh, khi mưa lớn kéo dài, dễ xảy ra ngập lụt vùng trũng và sạt lở đồi núi. Hiện nay, địa phương đã vận động bà con vùng trũng kê cao đồ dùng trong nhà, cất giữ những tài sản quan trọng tại những vị trí cao ráo, chuẩn bị đồ dùng thiết yếu, thuốc men, lương thực... khi mưa lũ xảy ra.
Ông Cao Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết, địa phương đã chuẩn bị ca nô, thuyền máy để sẵn sàng di chuyển cứu người và tài sản trong mưa lũ.
Mưa lớn trong những ngày qua làm đất đá trên các đồi núi ở miền núi tỉnh Quảng Bình bị ngậm nước bão hòa, liên kết yếu. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp kiểm tra khu vực có nguy cơ sạt lở đất, triển khai phương án sơ tán người dân, ứng phó với mưa lớn. Hiện, có 85 điểm nguy cơ sạt lở cao, trong đó, 4 vị trí đặc biệt nguy hiểm từng xảy ra sạt lở trong những đợt mưa trước là đồi Phòng không tại xã Đức Hóa, huyện Tuyên Hóa; triền núi Cây Sường tại tổ dân phố 8 thị trấn Quy Đạt; đồi Hạ Vàng thị trấn Phong Nha; khu vực đồi tại bản Bãi Dinh, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa.
Ông Trần Mạnh Hà, Tổ trưởng tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt, huyện Minh Hóa cho biết, có 40 hộ với 200 nhân khẩu đang nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp nếu xảy ra sạt lở núi Cây Sường. Địa phương đã thông báo đến mọi người chuẩn bị nhu yếu phẩm, thu dọn tài sản, sẵn sàng di dời khi cần thiết.
“Có dự báo mưa lũ là sẵn sàng di dời, bà con rất đồng thuận. Ở địa phương có Ban phòng chống thiên tai vận động bà con về trụ sở xã để trú tránh, nếu bà con có đồ đạc gì nhiều cần phải di dời thì các lực lượng sẽ hỗ trợ”, ông Hà cho biết.
Các lực lượng đang hỗ trợ người dân trong lũ
Theo dự báo, tổng lượng mưa sắp tới tại tỉnh Quảng Bình từ 350-700mm, trên các sông có khả năng xuất hiện đợt lũ ở mức báo động 2 đến báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Hiện nay, tỉnh Quảng Bình đã kích hoạt đội xung kích Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp cơ sở tại 149 xã, phường, thị trấn. Lực lượng này sẽ bám sát thực tế địa bàn, hỗ trợ người dân vùng nguy hiểm di dời và phát huy hiệu quả công tác cứu hộ cứu nạn ngay tại cơ sở.
Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết, tỉnh chỉ đạo các địa phương kiểm tra, rà soát đảm bảo dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày. Tại các huyện miền núi, chính quyền nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về hoặc tìm nơi trú ẩn an toàn trước mưa lũ. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông tại các ngầm tràn thời điểm ngập sâu, cương quyết không cho người dân đánh cá, vớt củi khi mưa lũ.
Theo ông Đoàn Ngọc Lâm, các lực lượng đã sẵn sàng, thực hiện phương án bám sát cơ sở, di dời người dân vùng nguy hiểm và chuẩn bị phương tiện kịp thời cứu hộ, cứu nạn: “Mức độ nguy hiểm của lũ lụt là rất lớn, nước lũ về lúc nào cũng chảy xiết và mức độ xói lở, sạt lở rất mạnh. Trên phương châm 4 tại chỗ, mỗi xã, mỗi thôn có lực lượng xung kích, chỉ huy tại chỗ, xây dựng phương án trong phòng chống bão lụt, sạt lở đất, di dời dân”.