Quảng Bình: Khẩn trương khắc phục các tuyến giao thông bị mưa bão gây hư hỏng nặng
Cuối tháng 8/2019, tại miền Trung hiện tượng mưa lớn kéo dài, ngập lụt nghiêm trọng, hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ của tỉnh Quảng Bình đã bị thiệt hại nặng nề, khiến tỉnh Quảng Bình đang khẩn trương khắc phục tình hình.
Mặt đường QL12A bị nứt gãy, vẫn tiếp tục diễn tiến.
Theo thống kê sơ bộ của Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình, từ ngày 01/9 đến ngày 06/9/2019, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, mưa rất to đã gây ngập lụt, sạt lở, hỏng nặng tại nhiều vị trí trên các tuyến đường. Cụ thể:
Tại QL12A, tuyến đường đi Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, đoạn Km66 - Km67 nước ngập 2,5-30cm. Đoạn Km104+00 - Km136+00 nhiều vị trí đất đá trôi lấp rãnh dọc, mặt đường, tại Km130+64 mặt đường bị lún, nứt có nguy cơ trượt. Tại Km140+250 mặt đường bị lún, nứt gãy ngang đường có nguy cơ sụt trượt cắt đường. Chiều dài vết nứt dọc 50m, vết nứt ngang gần hết bề rộng mặt đường, rộng 7 - 10cm, cống nằm trong phạm vi vết nứt đã bị gãy và chuyển vị, rãnh dọc phía thượng lưu và mái taluy hạ lưu bị nứt, có nguy cơ sạt lở toàn bộ nền đường. Tại Km141+650 đất đá sạt lở mái taluy dương tràn mặt đường khoảng 3.850m3, gây tắc đường.
Tại QL15, trên tuyến nhiều vị trí mái taluy dương bị sạt lở, rãnh dọc tứ nón mố bị xói, hư hỏng. Tại Km458+300 sạt lở mái taluy âm, 03 ngầm tràn Khe Mưng, Khe Đèng, Khe Bẹ (đoạn Tân Ấp - Đồng Lê) và Ngầm Bùng (đoạn qua huyện Bố Trạch) ngập sâu hơn 2m, cứ mưa là ngập.
Sụt trượt đất đá tại Km52+500 QL9B.
Tại QL9B, trên tuyến nhiều vị trí rãnh dọc, mặt đường bị lấp, cây đổ và sạt lở mái taluy âm, gây tắc đường trong đó có một số điểm sạt lở lớn, như tại Km52+500 sạt lở mái taluy dương 3.000m3, tại Km53+00 sạt lở mái taluy dương 3.500m3, tại Km81+500 sạt lở mái taluy âm 1.200m3.
Tại QL9C, cây đổ tràn mặt đường, nhiều vị trí mái taluy dương bị sạt lở như tại Km26+030, Km32+980, Km33+780, Km33+900, Km34+380 218m3. Quốc lộ 9E thông tuyến bình thường.
Cùng đó, hệ thống đường tỉnh 559, 559B, 560, 561, 562, 564, 558, 558B, 558C… nước lũ tràn vào nhà dân, cây đổ ngang đường, biển báo bị gãy, đất đá sụt trượt, tại các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Xe máy, nhân công làm việc liên tục để thông tuyến bước 1.
Bà Phạm Thị Nhung Anh - Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình) cho biết: Khối lượng hư hại cụ thể rất lớn, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng cao gồm Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch. Trước mắt, đang khắc phục để thông tuyến bước 1 tại các tuyến quốc lộ, ước tính kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các công tác khảo sát, đo khối lượng thiệt hại cụ thể, tiến hành sửa chữa các điểm sạt lở lớn sẽ được tiến hành ngay sau đó, nhằm thông tuyến bước 2.
Ông Phạm Quang Hải - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình thông tin: Để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, hiện tại Sở đã chỉ đạo đơn vị quản lý đường bộ bố trí báo hiệu và bố trí người điều tiết giao thông để phân luồng, chỉ cho phép lưu thông một làn về phía taluy dương. Tuy nhiên, qua theo dõi hiện tại các vết nứt có xu hướng phát triển nhanh gây nguy cơ đứt đường. Vì vậy, phương án đảm bảo giao thông bước 1, tại Km140+250, cần mở 1 làn xe bề rộng 3,5m dài 100m, phá dỡ dải phân cách giữa 30m, trực gác 24/24h để điều tiết giao thông, tạm thời thông tuyến một làn xe. Dự kiến kinh phí khoảng 1 tỷ đồng, đề nghị Tổng Cục Đường bộ Việt Nam cho phép triển khai xử lý ngay để ngăn chặn nguy cơ đứt đường. Tại Km124+750, xếp kè rọ đá mái taluy âm để giữ ổn định nền đường.
QL15 sau khi thông tuyến, bùn non còn bám đầy.
Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Bình) cũng nhận định: Với hư hại ở năm 2019, các điểm sụt trượt không quá nhiều, nhưng khối lượng thì rất lớn, công tác bố trí máy móc, phương tiện được triển khai liên tục để thông tuyến. Việc đo đạc, lên phương án sửa chữa được đẩy nhanh. Tuy vậy, bên cạnh việc xin ý kiến từ Tổng Cục Đường bộ Việt Nam thì còn có vướng mắc nảy sinh liên quan đến việc điều chuyển tài sản các tuyến QL9B, 9C, 9E. Cụ thể, từ đầu năm 2019 đến nay, do vướng mắc về thủ tục điều chuyển tài sản hạ tầng đường bộ nên các tuyến quốc lộ này không được bố trí kinh phí quản lý, bảo trì, sửa chữa định kỳ theo quy định khiến một số đoạn tuyến, công trình xuống cấp chưa kịp thời khắc phục, sửa chữa. Bộ Tài chính chưa cho phép thực hiện điều chuyển tài sản từ địa phương quản lý về Bộ Giao thông vận tải, vì vướng Nghị định 10/2013/NĐ-CP ngày 11/1/2013 của Chính phủ.
Được biết, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính giải quyết vướng mắc này.
Báo điện tử Xây dựng sẽ tiếp tục thông tin.