Quảng Bình: Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ kéo dài
Những ngày qua, lũ lụt làm thiệt hại lớn về người và tài sản ở Quảng Bình. Khi nước lũ vừa rút, công tác khắc phục hậu quả được tiến hành khẩn trương tại nhiều địa phương.
Theo thống kê sơ bộ, ngập lụt từ ngày 17 - 21/10 đã khiến hơn 105.000 nhà dân bị ngập; hệ thống đường như: Quốc lộ 15, đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, các tuyến Quốc lộ 1, 12A, 12C, 9B, 9C, 9E, đường tỉnh 558C, 559B, 559, 562, 564 và 564B bị ngập, ách tắc, đất đá sạt trượt xuống nền đường. Nhiều công trình khác của các ngành Điện lực; Thông tin; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Y tế và Giáo dục bị ảnh hưởng hoặc hư hại…
Để tập trung khắc phục hậu quả do mưa lũ kéo dài, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình đã ban hành Công văn số 1022-CV/TU về việc khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ lớn gây ra.
Theo đó, trước mắt, cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung cứu chữa người bị thương, mai táng người thiệt mạng; cứu trợ lương thực, nước uống, thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm thiết yếu cho nhân dân trong vùng bị lũ lụt, những nơi bị chia cắt, cô lập, bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ngành Giao thông Vận tải phối hợp với chính quyền các cấp tập trung khắc phục các tuyến đường bị hư hỏng, đảm bảo giao thông thông suốt, nhất là Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, các tuyến đường tỉnh lộ...
Ngành Điện lực, ngành Thông tin và Truyền thông tập trung lực lượng, phương tiện để sớm khắc phục các tuyến đường dây, trạm biến áp, hệ thống thông tin liên lạc bị hư hỏng, bảo đảm cung cấp điện, thông tin liên lạc nhanh nhất, phục vụ sản xuất, đời sống của nhân dân.
Ngành Nông nghiệp phối hợp với chính quyền các cấp khẩn trương kiểm tra tình hình thiệt hại về sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đồng thời có biện pháp khắc phục sự cố của các hồ, đập thủy lợi, hệ thống đê, kè để đảm bảo an toàn cho các công trình. Ngành Y tế chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc để tiêu độc, khử trùng, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh bùng phát sau mưa lũ.
Cấp ủy, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tư tưởng, động viên nhân dân chủ động khắc phục hậu quả mưa lũ; giữ vững an ninh, trật tự xã hội; nắm chắc tình hình, tiến hành kiểm tra, có biện pháp chỉ đạo kịp thời, giúp dân sớm ổn định cuộc sống và sản xuất; chỉ đạo làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xảy ra; đồng thời sớm ổn định việc dạy và học ở các trường học; duy trì thường xuyên hoạt động của các công sở; tiếp tục phân công lãnh đạo và cán bộ bám, nắm địa bàn, chủ động di dời, sơ tán người, phương tiện và tài sản ra khỏi các vùng nguy hiểm, nơi có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Liên quan trực tiếp đến việc sớm ổn định việc dạy và học ở các trường học, chiều 21/10, Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Quảng Bình Đinh Quý Nhân đã ký Công văn số 2682/SGDĐT-VP về việc khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, gửi Trưởng Phòng Giáo dục và Đạo tạo các huyện, thị xã, thành phố; hiệu trưởng các đơn vị trực thuộc; giám đốc các trung tâm giáo dục - dạy nghề.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đạo tạo chỉ đạo, những địa bàn đã bảo đảm an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên thì tổ chức dạy học trở lại; đối với cho học sinh phải đi qua vùng nước chảy xiết, vùng còn ngập sâu thì chưa đi học trở lại, nhà trường có kế hoạch tổ chức dạy bù sau.
Về việc cấp điện trở lại cho khách hàng, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Bình Hoàng Hiếu Trung thông tin: Để thực hiện công tác khắc phục hậu quả lũ lụt một cách nhanh nhất nhằm phục vụ nhân dân sớm ổn định đời sống, công ty gấp rút cử cán bộ hỗ trợ, theo dõi phương án khắc phục hư hỏng trên lưới điện; hỗ trợ khắc phục hư hỏng, thay thế hệ thống đo đếm. Theo kế hoạch, đến chiều 21/10, sẽ cấp điện trở lại cho toàn bộ phụ tải quan trọng và khu vực trung tâm. Các ngày tới, dự kiến cơ bản khách hàng toàn tỉnh sẽ có điện.
Cùng đó, công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường ở những xã, phường, thị trấn nước lũ đã rút được các đoàn thể và lực lượng vũ trang tích cực hỗ trợ người dân.