Quảng Bình khẩn trương sơ tán dân khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở
Tính đến trưa ngày 19/9, tỉnh Quảng Bình đã sơ tán 238 hộ dân đến nơi an toàn. Chính quyền yêu cầu không để người dân thuộc diện di dời thiếu thốn, đặc biệt là người già, trẻ em.
Ngày 19/9, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng đã có cuộc họp nhanh với UBND tỉnh và các đơn vị liên quan triển khai công tác phòng chống bão số 4. Tại cuộc họp, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh, mọi công tác ứng phó với bão phải được thực hiện quyết liệt, chủ động với phương châm "4 tại chỗ".
Khẩn trương rà soát các khu dân cư ven sông, suối, vùng thấp trũng, đồi núi để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ở khu vực có nguy cơ cao ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất, những hộ không bảo đảm an toàn phải kiên quyết vận động di dời…Đồng thời chỉ đạo 4 đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống bão tại các địa phương trong tỉnh.
Trực tiếp đi kiểm tra công tác ứng phó với bão tại huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã đến kiểm tra công tác sơ tán, di dời người dân khỏi khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất ở bản Mít, xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy. Hiện nay có khoảng 20 hộ đồng bào dân tộc thiểu số của bản đã được cấp ủy, chính quyền địa phương di dời về trụ sở của Đội sản xuất số 7, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79, Binh đoàn 15 và các trường học.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã động viên bà con nhân dân yên tâm sinh hoạt tại nơi sơ tán. Đồng thời nhấn mạnh, chính quyền và lực lượng chức năng đã và đang triển khai nghiêm túc, quyết liệt công tác ứng phó bão với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Đặc biệt, rà soát công tác neo đậu tàu thuyền của bà con nhân dân ở các xã biển; chủ động triển khai phương án sơ tán người dân ở những nơi nguy hiểm, nơi có nguy cơ cao về sạt lở đất đến nơi an toàn.
Kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Đồng thời cũng yêu cầu huyện chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các hộ dân thuộc diện phải di dời, không để người dân thiếu thốn, đặc biệt là người già, trẻ em.
Tại huyện Quảng Ninh, lãnh đạo tỉnh Quảng Bình đã trực tiếp kiểm tra an toàn hồ đập tại công trình hồ chứa nước Điều Gà. Đây là công trình đang trong quá trình nâng cấp, sửa chữa, nhưng tạm dừng thi công để ứng phó với mưa bão.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Thắng yêu cầu huyện Quảng Ninh triển khai ứng phó trên tinh thần chủ động về mọi mặt nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho nhân dân; có phương án bảo đảm an toàn cho các công trình đang thi công.
Báo cáo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN kiêm Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Bình cho hay, sáng ngày 19/9 trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Hiện nay mực nước tại các trạm thủy văn đang ở dưới mức báo động I. Dự báo, 24 giờ tới, trên các sông có khả năng xuất hiện 01 đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông dao động ở mức BĐ1 đến BĐ2 có sông trên BĐ2.
Hiện toàn bộ 7.313 tàu thuyền đã vào nơi tránh trú an toàn, không có tàu thuyền nào hoạt động trên biển. Dung tích hiện tại của các hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt 29,3% dung tích thiết kế.
Trong đêm 18/9, sáng ngày 19/9, trên địa bàn tỉnh có mưa rải rác và mưa vừa, gây sạt lở, chia cắt cục bộ một số điểm như: Tại km121+950 QL 12A nước từ trên đồi kèm theo đất đá trôi xuống đường.
Ngầm K Ai, xã Dân Hóa (địa bàn Đồn Cha Lo) nước dâng cao khoảng 01m; ngầm CuPi, ngầm Tà Cổ, xã Trọng Hóa (địa bàn Đồn Ra Mai) nước dâng cao khoảng 0,5-0,7m người và phương tiện không qua lại được; ngầm CuPi bị xói, lở hoàn toàn. Cầu Cây Bươu, ngầm cầu tràn bản Lương Năng, xã Hóa Sơn (địa bàn Đồn Cà Xèng) nước ngập sâu khoảng 0,6m. Các đồn Biên phòng trên đã phối hợp chính quyền địa phương cắm biển báo, tuyên truyền người dân không qua lại khu vực nước chảy xiết.
Tính đến trưa ngày 19/9, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức sơ tán 238hộ/ 918 khẩu, cụ thể: Huyện Lệ Thủy 35 hộ/100 khẩu; huyện Bố Trạch 82 hộ/347 khẩu; huyện Tuyên Hóa 27 hộ/90 khẩu; huyện Minh Hóa 94 hộ/381 khẩu.