Quảng Bình mạnh tay xử lý tội phạm 'tín dụng đen'
Tại Quảng Bình, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tục triệt phá nhiều đường dây 'tín dụng đen' với lãi suất cho vay với lãi xuất 'cắt cổ'.
Tháng 2/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Đồng Hới ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt bị can để tạm giam với Võ Thị Lựu (39 tuổi, trú tại TDP 11, phường Bắc Lý, thành phố Đồng Hới) vì hoạt động cho vay lãi nặng.
Sau một thời gian thu thập tài liệu, chứng cứ, Công an thành phố Đồng Hới làm rõ hoạt động cho vay lãi nặng của Lựu, lãi suất thấp nhất từ 101,3%/năm đến cao nhất là 195,5%/năm. Tổng số tiền sử dụng vào hoạt động cho vay là trên 63 tỷ đồng.
Tiếp đó, tháng 4/2023, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Đồng Hới có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Anh Tuấn (30 tuổi, trú phường Hải Thành, thành phố Đồng Hới) về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự.
Qua quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định Hoàng Anh Tuấn hoạt động cho vay nặng lãi từ năm 2018 với mức lãi suất thấp nhất là 109,5%/năm và cao nhất là 365%/năm. Tổng số tiền Tuấn cho vay là 4 tỉ đồng.
Đến tháng 5/2023, Công an thành phố Đồng Hới tiếp tục làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong hoạt động giao dịch dân sự của Đinh Thị Bích Thủy (38 tuổi, trú tại phường Đồng Sơn, thành phố Đồng Hới). Từ năm 2022, Thủy cho vay 400 triệu đồng với mức lãi suất từ 109% đến 182% năm, thu lợi bất chính số tiền 86 triệu đồng.
Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Công văn về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen".
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành trên địa bàn, các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các hoạt động phòng ngừa hoạt động "tín dụng đen". Các đơn vị quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về giao dịch, vay mượn, huy động, sử dụng vốn an toàn.
Nghiêm cấm tham gia hoạt động góp vốn, huy động vốn và môi giới, bao che, tiếp tay cho các đối tượng hoạt động "tín dụng đen", cho vay lãi nặng, thành lập doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh tài chính, dịch vụ cầm đồ, đòi nợ...
Yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Bình chỉ đạo tổ chức tín dụng triển khai chương trình, chính sách tín dụng đa dạng hình thức, mạng lưới phủ khắp, thủ tục nhanh gọn, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp của người dân.
UBND tỉnh Quảng Bình cũng yêu cầu Công an tỉnh siết chặt việc cấp Giấy chứng nhận và tăng cường quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, nhất là cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ.
Cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý, thu hồi Giấy chứng nhận với các cơ sở vi phạm. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trên phạm vi toàn tỉnh và trên không gian mạng để đấu tranh quyết liệt các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen".
Với UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thường xuyên nắm tình hình, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, cơ sở kinh doanh có điều kiện, kịp thời phát hiện, xử lý hoạt động "tín dụng đen".
Cùng với đó, Liên đoàn Lao động tỉnh cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn, hỗ trợ công nhân, người lao động tiếp cận các nguồn vay vốn an toàn, ưu đãi. Kịp thời phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng các hoạt động "tín dụng đen" có liên quan đến công nhân, người lao động để xử lý theo quy định pháp luật…