Quảng Bình: Nhiều bệnh viện ký hợp đồng với các đơn vị chưa có giấy phép hoạt động xe cấp cứu

Các cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, huyện Tuyên Hóa đã ký hợp đồng với các đơn vị chưa có giấy phép hoạt động xe cấp cứu.

Ngày 12/7, theo thông tin của Thanh tra Sở Y tế Quảng Bình, nhiều cơ sở y tế ở Quảng Bình ký hợp đồng với đơn vị chưa có giấy phép hoạt động xe cấp cứu.

Theo đó, Thanh tra Sở Y tế Quảng Bình vừa có kết quả kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật tại cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Đoàn đã kiểm tra 20 cơ sở với 34 xe ô tô cứu thương, phát hiện nhiều xe cứu thương chưa được cấp giấy phép hoạt động.

Đối với cơ sở cấp cứu ngoại viện công lập Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy, Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa, Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch đã ký hợp đồng với 3 cơ sở về việc cung cấp dịch vụ vận chuyển gồm: Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh thuộc Công ty TNHH TM Tổng hợp 379 (ở phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn); ông Tôn Thất Đạt (trú tại tiểu khu II, thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa); ông Hoàng Thanh Hải (trú tại xã Xuân Thủy, huyện Lệ Thủy).

Theo kết quả kiểm tra, các cơ sở này chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy nơi phát hiện có xe cấp cứu chưa được cấp phép (Ảnh: CTV)

Bệnh viện Đa khoa huyện Lệ Thủy nơi phát hiện có xe cấp cứu chưa được cấp phép (Ảnh: CTV)

Cùng đó, danh mục va ly thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương chưa đầy đủ đúng theo quy định. Trang bị các tiêu chuẩn của xe ô tô cứu thương chưa đầy đủ theo quy định…

Đối với cơ sở cấp cứu ngoại viện tư nhân, lực lượng chức năng phát hiện 9 xe ô tô cứu thương hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh mà chưa được cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

Đoàn kiểm tra yêu cầu các cơ sở dừng hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh.

Sau khi làm việc và có kết quả cuối cùng, đoàn đã yêu cầu các cơ sở y tế công lập chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh; Bổ sung đầy đủ các danh mục va ly thuốc cấp cứu, dụng cụ cấp cứu, thuốc thiết yếu và trang thiết bị thiết yếu trang bị cho một kíp cấp cứu ngoại viện trên xe ô tô cứu thương đúng theo quy định.

Cùng đó, tiến hành làm thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng phát tín hiệu của xe được quyền ưu tiên cho các xe ô tô cứu thương đối với những xe chưa có giấy phép hoặc giấy phép hết hiệu lực.

Yêu cầu Bệnh viện đa khoa huyện Lệ Thủy, Bệnh viện Đa khoa huyện Tuyên Hóa, Trung tâm Y tế huyện Quảng Trạch thu hồi hợp đồng cung cấp dịch vụ vận chuyển bệnh nhân đã ký với các cơ sở nêu trên và báo cáo kết quả về Sở Y tế.

Đối với các cơ sở y tế tư nhân, Sở Y tế yêu cầu các cơ sở chưa được thẩm định và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh có chức năng cung cấp dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh nêu trên dừng hoạt động dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh theo đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, đề nghị Công an tỉnh Quảng Bình chỉ đạo Công an các huyện, thị xã, thành phố, Phòng PC08 Công an tỉnh có phương án ngăn chặn, nghiêm cấm hoạt động và xử lý nghiêm các xe ô tô cứu thương vận chuyển người bệnh của các cơ sở chưa được thẩm định và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh lưu thông trên địa bàn toàn tỉnh…

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quang-binh-nhieu-benh-vien-ky-hop-dong-voi-cac-don-vi-chua-co-giay-phep-hoat-dong-xe-cap-cuu-331634.html