Quảng Bình: Nhiều người dân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã quý hiếm

Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiếp nhận và thực hiện cứu hộ hàng chục cá thể động vật hoang dã từ đầu năm đến nay.

Một cá thể mèo rừng được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) tiếp nhận từ người dân trong năm nay. (Ảnh: TTXVN phát)

Một cá thể mèo rừng được Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng) tiếp nhận từ người dân trong năm nay. (Ảnh: TTXVN phát)

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã tiếp nhận và thực hiện cứu hộ 27 cá thể động vật hoang dã từ các tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp.

Cùng với đó, Trung tâm đã trả lại cho môi trường tự nhiên ở Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng 17 cá thể động vật hoang dã quý hiếm sau khi thực hiện chăm sóc, cứu hộ thành công.

Đáng chú ý, chỉ trong tháng Bảy và đầu tháng Tám này, liên tiếp có bốn cá nhân tự nguyện giao nộp động vật hoang dã cho Trung tâm chăm sóc, cứu hộ.

Cụ thể, anh Nguyễn Thanh Phong, trú tại xã Phong Hóa, anh Nguyễn Văn Ngọc (trú tại thị trấn Đồng Lê, huyện Tuyên Hóa) đã giao nộp ba cá thể khỉ vàng có tên khoa học là Macaca mulatta.

Anh Nguyễn Hữu Thọ (trú tại xã Xuân Trạch, huyện Bố Trạch) đã giao nộp cá thể trăn đất, có tên khoa học là Python molurus.

Còn anh Lê Văn Song (trú tại xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch) đã giao nộp một cá thể culi nhỏ có tên khoa học là Nycticebus pygmaeus.

Tại thời điểm người dân tự nguyện giao nộp, các cá thể động vật nêu trên đều bị suy giảm tập tính hoang dã vốn có.

Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển sinh vật thuộc Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng hiện đang chăm sóc và cứu hộ 73 cá thể động vật hoang dã khác, trong đó, có bảy cá thể hổ Đông Dương được xếp vào Sách đỏ Việt Nam và thế giới; nằm trong hạng mục có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Cùng với các cá thể động vật khác, bảy cá thể hổ Đông Dương được cứu hộ tại Trung tâm đều được quy định tại Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, ngăn cấm mọi hành vi săn bắt, buôn bán. Sau khi cứu hộ thành công các cá thể sẽ được trả lại môi trường tự nhiên.

Ông Phạm Kim Vương, phụ trách Phòng Cứu hộ thuộc Trung tâm Cứu hộ, Bảo tồn và Phát triển Sinh vật (Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng), cho biết để đạt được kết quả trên, trong thời gian qua, Trung tâm đã tích cực phối hợp với kiểm lâm, chính quyền cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân chung tay phòng chống, bảo vệ rừng và động vật hoang dã.

Nhờ vậy, ý thức, trách nhiệm của người dân ở khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng không ngừng được nâng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/quang-binh-nhieu-nguoi-dan-tu-nguyen-giao-nop-dong-vat-hoang-da-quy-hiem-post969020.vnp