Quảng Bình: Phân cấp quản lý di tích cho các địa phương
Ngày 10/11, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt Đề án phân cấp di tích, danh thắng về cho các địa phương quản lý nhằm tạo điều kiện trong việc huy động các nguồn lực xã hội hóa để trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích.
Thực hiện Quyết định số 4248/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 về việc phê duyệt Đề án phân cấp quản lý các di tích, danh thắng đã được xếp hạng di tích trên địa bàn tỉnh. UBDN tỉnh Quảng Bình đã phân cấp di tích về cho các địa phương quản lý.
Theo đó, với 64 di tích, danh thắng đã được xếp hạng quốc gia và cấp tỉnh chưa được phân cấp quản lý; hiện được phân trách nhiệm cụ thể cho các địa phương, nơi có di tích trực tiếp quản lý.
Theo Đề án, huyện Minh Hóa chịu trách nhiệm quản lý 3 di tích; huyện Tuyên Hóa quản lý 8 di tích; huyện Quảng Trạch quản lý 6 di tích; thị xã Ba Đồn quản lý 4 di tích; huyện Bố Trạch chịu trách nhiệm quản lý 14 di tích; thành phố Đồng Hới quản lý 9 di tích; huyện Quảng Ninh quản lý 10 di tích; huyện Lệ Thủy quản lý 10 di tích.
UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm tham mưu quản lý Nhà nước về di tích, danh thắng đã được xếp hạng; hướng dẫn các đơn vị được phân cấp quản lý, chủ đầu tư trùng tu, tôn tạo, phục hồi, tu sửa cấp thiết di tích về chuyên môn theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình, các địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia. Kịp thời, khẩn trương phổ biến các quy định để người dân hiểu đúng, có quyết định đúng khi tham gia trùng tu, tôn tạo di tích. Huy động vốn, triển khai tu bổ, tôn tạo cần công khai minh bạch, theo nguyên tắc khoa học, có sự giám sát của cộng đồng. Trong quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích, Quảng Bình chủ trương bảo tồn di sản theo hướng trọng điểm, tập trung cho các di tích đặc biệt cũng như di tích lịch sử cách mạng. Nếu không có nguồn vốn xã hội hóa, bài toán trùng tu, tôn tạo di tích rất nan giải.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Quảng Bình những giải pháp tích cực để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các cá nhân, tập thể tham gia tu bổ, tôn tạo di tích. Hiện, toàn tỉnh có 99 di tích khác nhau với 64 di tích, danh thắng cấp quốc gia còn lại 35 di tích cấp tỉnh. Theo Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý di tích trên địa bàn tỉnh, di tích địa phương nào giao về cho địa phương ấy quản lý nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động các di tích.