Quảng Bình phấn đấu thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn dự báo, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, Quảng Bình từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ðây sẽ là tiền đề để Quảng Bình tự tin bắt tay vào thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 với quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Nhiệm kỳ 2015 - 2020 diễn ra trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức hơn dự báo, nhưng với tinh thần đoàn kết, sự nỗ lực, sáng tạo của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh, Quảng Bình từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Ðây sẽ là tiền đề để Quảng Bình tự tin bắt tay vào thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2020 - 2025 với quyết tâm trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực Bắc Trung Bộ.
Với những thuận lợi cơ bản đạt được trong giai đoạn 2010 - 2015, ngay sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 16, Quảng Bình bước vào thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020 với khí thế và quyết tâm mới. Nhưng, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tháng 4-2016, sự cố môi trường biển đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều mặt của đời sống xã hội, đặt Quảng Bình trước thách thức, khó khăn chưa từng có; tiếp đó là “lũ kép”, lũ lịch sử, bão lớn, dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là đại dịch Covid-19 với những thiệt hại nặng nề đến đời sống và sản xuất, kinh doanh của người dân, đến sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng tình hình, kích động, chống phá, tiếp tục thử thách tinh thần và ý chí của Ðảng bộ và nhân dân Quảng Bình. Trong bối cảnh đó, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của Trung ương Ðảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương, sự lãnh đạo, chỉ đạo năng động, sáng tạo, quyết liệt của Ðảng bộ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Quảng Bình đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,13%; thu ngân sách tăng bình quân 17,4%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; xây dựng nông thôn mới có nhiều chuyển biến tích cực. Ðến hết năm 2020, toàn tỉnh có 61,72% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá. Du lịch từng bước khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước đồng bộ, một số hạ tầng quan trọng được hình thành, như: cảng biển Hòn La, cảng hàng không Ðồng Hới, cửa khẩu quốc tế Cha Lo… Môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ bằng các cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi hơn. Lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Chú trọng thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 còn dưới 4%, giảm bình quân 2,1%/năm. Quốc phòng - an ninh được tăng cường; trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị, xây dựng, chỉnh đốn Ðảng được triển khai tích cực, toàn diện, hiệu quả. Những kết quả đạt được qua một nhiệm kỳ đầy gian khó đã khẳng định tinh thần đoàn kết, quyết tâm vượt qua thách thức và khát vọng vươn lên của Ðảng bộ và nhân dân Quảng Bình.
Bước vào nhiệm kỳ mới 2020 - 2025, Quảng Bình đứng trước nhiều thuận lợi, song cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đan xen. Thuận lợi đó là: Những kết quả đáng khích lệ trong công tác xây dựng Ðảng, bảo đảm an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 5 năm 2015 - 2020, mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn do sự cố môi trường biển, thiên tai, bão lụt và đặc biệt là dịch Covid-19. Thách thức cho giai đoạn tới là rất nhiều: Từ việc phải hồi phục lại các khâu của nền kinh tế từ đầu tư, tiêu dùng, lao động... sau khi dịch Covid-19 đi qua; sự thiệt hại nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng và ảnh hưởng đến đời sống người dân do trận lũ lịch sử tháng 10-2020; sự cạnh tranh trong thu hút đầu tư, thương mại và du lịch của các địa phương khác trong khu vực...
Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, thách thức, tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các bộ, ban, ngành Trung ương, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã xác định những định hướng, mục tiêu cơ bản để xây dựng những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong giai đoạn 2020 - 2025. Cụ thể, mục tiêu tổng quát là: “Tăng cường xây dựng Ðảng bộ trong sạch, vững mạnh; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân, đổi mới sáng tạo, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập quốc tế, phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Bắc Trung Bộ”.
Nhằm cụ thể hóa mục tiêu này, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Quảng Bình xác định cần tập trung vào bốn khâu đột phá, tương ứng với bốn chương trình hành động cần được triển khai thực hiện thật tốt trong nhiệm kỳ: (1). Phát triển du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;
(2). Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại; (3). Ðẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; (4). Phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng công tác cán bộ.
Ðồng thời, cần thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể như sau:
Thứ nhất, thực hiện tốt công tác xây dựng Ðảng trên tất cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Ðảng bộ, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; thường xuyên củng cố và tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Ðảng với nhân dân. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng bộ máy chính quyền, đội ngũ cán bộ, công chức thật sự phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm và chất lượng giải quyết công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Ðổi mới lề lối, tác phong làm việc, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; tăng cường công khai, minh bạch trong công tác quản lý.
Thứ hai, tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành đồng bộ, thống nhất, dài hạn kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. Gắn kết quy hoạch của tỉnh với các quy hoạch của vùng Bắc Trung Bộ, miền trung và cả nước để tận dụng các lợi thế của các mối liên kết vùng, các tiềm năng lợi thế không chỉ của Quảng Bình mà của các địa phương lân cận, như: Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Ðà Nẵng… Công tác quy hoạch cần được thực hiện theo hướng tích hợp, tránh sự chồng chéo, phân tán trong tổ chức quản lý, thực hiện quy hoạch ở các cấp, các ngành; gắn liền với phương án thu hút nguồn lực để bảo đảm thực hiện quy hoạch.
Thứ ba, về phát triển kinh tế, tỉnh xác định công nghiệp là trọng điểm; dịch vụ, du lịch là mũi nhọn và nông nghiệp là bệ đỡ của kinh tế tỉnh nhà. Theo đó, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất quy mô hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ. Chú trọng phát triển bền vững các ngành kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo; xây dựng các ngành nghề truyền thống, đẩy mạnh khai thác vùng biển xa. Kết hợp chặt chẽ giữa việc bảo vệ và sử dụng rừng hiệu quả, duy trì độ che phủ cao nhưng vẫn bảo đảm thu nhập cho người dân vùng có rừng. Về công nghiệp, Quảng Bình sẽ tập trung cho ngành năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để khai thác các tiềm năng về vị trí địa lý, dải ven biển trải dài với nắng, gió. Ðồng thời cũng tập trung cho các ngành chế biến, sản xuất sâu các sản phẩm nông - lâm - ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng và lấp đầy các khu, cụm công nghiệp và Khu kinh tế Hòn La, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cha Lo. Ðẩy mạnh phát triển các trung tâm du lịch trọng điểm Phong Nha - Kẻ Bàng, Vũng Chùa - Ðảo Yến và khu mộ Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, khu du lịch biển Nhật Lệ - Bảo Ninh, khu suối Bang và du lịch văn hóa lịch sử phía nam tỉnh. Ðặc biệt là tập trung phát triển Phong Nha - Kẻ Bàng thành trung tâm du lịch đẳng cấp, điểm đến hàng đầu đối với du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cần phát triển các ngành dịch vụ khác như tài chính, ngân hàng thương mại, xuất nhập khẩu, logistics… để tận dụng những lợi thế về cảng, các cửa khẩu với nước bạn Lào, hành lang kinh tế đông - tây, đưa Quảng Bình trở thành cửa ngõ kết nối nước bạn Lào, đông bắc Thái-lan và Mi-an-ma với Biển Ðông.
Song song với đó, tỉnh thực hiện các giải pháp nhằm đổi mới, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của địa phương để có thể thu hút các nguồn đầu tư phát triển từ các nhà đầu tư có uy tín, năng lực.
Thứ tư, cùng với phát triển kinh tế, phải tiếp tục quan tâm hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Thực hiện tốt công tác trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa gắn với phát triển du lịch. Thực hiện hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trường, lớp theo hướng đồng bộ, hiện đại. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tăng cường liên kết, hợp tác, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo gắn với nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp. Chăm lo, nâng cao chất lượng công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, chuẩn bị tốt các điều kiện đầu tư, nâng cấp, mở rộng các cơ sở y tế trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Triển khai kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có công, các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.
Thứ năm, lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Tập trung chỉ đạo kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, biên phòng toàn dân và thế trận lòng dân vững chắc.
Một vấn đề quan trọng nữa là, qua trận lũ lịch sử trong tháng 10, tỉnh Quảng Bình sẽ có sự đánh giá, rà soát lại một cách kỹ lưỡng các phương án phòng, chống bão lũ, trên cơ sở đó xây dựng các kịch bản ứng phó hiệu quả với mưa lũ, biến đổi khí hậu để giảm thiệt hại do thiên tai gây ra. Vì thế, Ðại hội Ðảng bộ tỉnh cần sáng suốt bầu ra Ban Chấp hành đủ sức mạnh đưa nhân dân vượt qua mọi khó khăn, thách thức hiện nay.
Vũ Ðại Thắng
Ủy viên dự khuyết T.Ư Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình