Quang Bình phát triển nông nghiệp bền vững
Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Quang Bình đã có những chuyển biến tích cực, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cho hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân tăng thu nhập, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Quang Bình là huyện có nhiều xã vùng cao, vùng xa, khó khăn; kinh tế nông, lâm nghiệp luôn đóng vai trò chủ đạo trong cơ cấu kinh tế. Vì vậy, huyện xác định phải tập trung đầu tư cho phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Để đưa các chủ trương vào thực tiễn đời sống, huyện đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Bên cạnh việc tìm hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, phát triển và nhân rộng các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương, huyện xác định trước hết phải đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, đặc biệt công trình thủy lợi được xem là yếu tố then chốt. Hiện nay, trên địa bàn huyện công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng được nhu cầu sản xuất của người dân. Đồng thời, tích cực vận động bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từng bước đưa sản xuất nông nghiệp đi vào chiều sâu và hướng tới một nền nông nghiệp bền vững. Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp đa dạng, có sức cạnh tranh cao trên thị trường và phát huy thế mạnh của sản phẩm một cách bền vững, huyện tiếp tục khai thác hiệu quả các vùng kinh tế. Đối với các xã vùng cao, huyện thực hiện tốt chính sách hỗ trợ con giống theo chương trình 30a, giúp các hộ nghèo có điều kiện phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Công tác quản lý, bảo vệ, khoanh nuôi rừng tái sinh được chú trọng, an toàn rừng được đảm bảo; phong trào trồng rừng được nhân dân hưởng ứng, tích cực tham gia. Huyện chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung quy mô trang trại; ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học và đảm bảo vệ sinh môi trường; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai thực hiện mô hình nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu CSA tại các xã: Bằng Lang, Tân Trịnh, Vĩ Thượng, Xuân Giang… Các sản phẩm OCOP thế mạnh của huyện như: Chè, cam, mật ong… được đánh giá đạt kết quả cao. Tập huấn 38 lớp về cây lúa, cây cam. Công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm luôn được chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ tháng 1 - 10.2020, diện tích lúa toàn huyện đạt 5.688 ha, ngô 2631 ha, lạc 2.572 ha, đậu tương 169 ha, chè 3.246 ha, cam 2.682 ha. Số lượng trâu 20.889 con, bò 281 con, dê 9.838 con, lợn 46.289 con, gia cầm 700.951 con. Diện tích có rừng 54.348 ha, thủy sản 702 ha…
Anh Hoàng Văn Hải, thôn Chang, xã Xuân Giang, chia sẻ: Gia đình tôi đợt trước chủ yếu trồng lúa, rau màu, nhưng thu nhập mang lại không cao nên đời sống khó khăn, loay hoay mãi không thoát được nghèo. Với sự định hướng của xã, tôi đã mạnh dạn chuyển đổi sang nuôi lợn đen giống, thấy mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong năm vừa qua, gia đình tôi bán lợn đen giống với giá 150.000 đồng/kg, mỗi con 5 kg, mỗi lứa 30 con, một năm 5 lứa; trừ chi phí cũng đem lại 60 triệu đồng/năm; giúp gia đình tôi đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn do xã tổ chức về cách chăm sóc cây trồng, vật nuôi để học hỏi thêm những phương pháp mới thiết thực để áp dụng vào thực tiễn.
Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện, Nguyễn Văn Hoàng cho biết: Phòng thường xuyên tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô hàng hóa, tập trung phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi theo mô hình trang trại, sử dụng vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và xu hướng của thị trường. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng vùng sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao; áp dụng cơ giới hóa, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; nghiên cứu xây dựng các sản phẩm lợi thế của địa phương, tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng… Thời gian tới, phòng sẽ đẩy nhanh tiến độ đổi mới các mô hình tăng trưởng gắn với phát triển nông thôn sạch, nông nghiệp hữu cơ, xây dựng vùng nguyên liệu nông sản tập trung gắn với cấp mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của từng địa phương theo chương trình OCOP gắn với xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm và xuất khẩu. Những thành công bước đầu đã đạt được trong sản xuất nông nghiệp, đó sẽ là tiền đề vững chắc để huyện Quang Bình tiến lên trong nền kinh tế hội nhập. Từ đó, tạo thêm phương thức sản xuất mới, hình thành các vùng kinh tế chuyên canh nông nghiệp.