Quảng Bình tan tác, tang thương sau bão lũ

Cơn lũ lịch sử đi qua đã tàn phá biết bao nhiêu của cải của người dân Quảng Bình, cơn 'đại hồng thủy' ấy cũng cướp đi tính mạng của những người xấu số. Máu, mồ hôi, nước mắt đã hòa vào dòng nước ác nghiệt.

Chúng tôi về xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) khi nước lũ đã rút dần, người dân nơi đây không còn những nụ cười cởi mở, hiếu khách mà hằn trên khuôn mặt họ là những mệt mỏi, buồn bã, âu lo. Lũ dâng đã phá hoại, cuốn trôi phần lớn tài sản của họ. Theo người dân thì lũ năm nay mức độ tàn phá nặng nề chưa từng thấy.

Nhiều tài sản của người dân bị lũ tàn phá.

Nhiều tài sản của người dân bị lũ tàn phá.

Vào thôn Đông Hải, PV không khỏi đau xót khi chứng kiến khung cảnh tan hoang, xơ xác sau lũ. Người dân tại đây đang tất bật dọn dẹp, sửa sang lại nhà cửa. Tận dụng thời gian trời hửng nắng, để vớt vát chút tài sản, người dân đưa những bao lúa đã ngâm sâu mấy ngày trong nước lũ ra phơi. Phần lớn lúa đã mọc mầm, thối rữa. Họ phơi lúa ở khắp nơi từ sân nhà, đường làng...

Bà Phan Thị Huynh (SN 1957) khóc nấc khi tài sản bị lũ cuốn trôi, lúa bị ngâm nước mọc mầm, hư hỏng.

Bà Phan Thị Huynh (SN 1957) khóc nấc khi tài sản bị lũ cuốn trôi, lúa bị ngâm nước mọc mầm, hư hỏng.

Tiếng sụt sùi từ đằng xa của bà Phan Thị Huynh (SN 1957), trú tại thôn Đông Hải làm không gian nơi đây thêm buồn hơn. Có khách lạ tới, bà Huynh cố ngưng khóc, nhìn vào số lúa đã mọc mầm, thối rữa một cách vô hồn. Rồi như đến cực han của sự chịu đựng, bà khóc lớn hơn. Nước mắt rơi từng dòng, bà vội dùng vạt áo lau khô.

Trong tiếng nấc, bà Huynh cho biết: "Lũ nó vô mần (làm) hư hết đồ đạc, nhà cửa, nhiều thứ nó cuốn trôi mất rồi. Vất vả mần được tạ ló (lúa) thì bị ngập ướt rồi mọc mầm, thối hết. Giờ không có bao mô xát (xay) ăn được nựa".

Dẫn chúng tôi tới túp lều tạm nằm trên đồi cát phía cuối làng, ông Nguyễn Thanh Hải cho biết đó là nơi gần 20 con người tá túc qua những ngày lũ. Họ vẫn chưa dám dỡ lều vì sợ sẽ có bão và lũ trong thời gian tới.

"Cái lều nhỏ rứa (như vậy) chứ gần 20 người trú đó. Chỉ ngồi chứ không đủ chỗ nằm. Mọi người ở trong lều trên bãi cát cao vậy rồi mà vẫn sợ nước dâng đến", ông Hải cho biết.

Đang thu dọn một số vật dụng trong lều, ông Dương Văn Khanh (SN 1950) nói chen thêm: "Tui sống 70 năm rồi chưa thấy trận lũ mô (nào) lớn như trận lũ ni (này)".

Rời vùng lũ huyện Lệ Thủy, chúng tôi tới vùng lũ Bắc sông Gianh. Mặc dù nước đã rút dần nhưng vẫn còn nhiều nhà dân bị ngập.

Trong ngôi nhà cấp 4 xiêu vẹo, bùn đất vẫn bám chặt đầy tường, ông Phạm Văn Thuận, trú tại xóm 5, thôn Hướng Phương, xã Quảng Phương (Quảng Trạch) ngồi thẫn thờ vì cả khu chuồng chăn nuôi trống trơn, không còn lấy một con gà, con lợn vì bị nước cuốn mất. Bao nhiêu tài sản, đồ đạc của gia đình bị cuốn theo dòng nước.

"Bấy nhiêu của cải tích góp được tui đã đầu tư xây dựng trang trại với hơn 1 ngàn con gà sắp bán lấy thịt, mấy chục con lợn nhưng nước lũ đổ về đột ngột, mọi người chỉ kịp tháo chạy lên cao, khi nước rút thì không còn thấy lợn, gà đâu cả. Giờ cả gia đình như trắng trơn phải nhờ đoàn cứu trợ đi phát gạo ăn qua ngày", ông Thuận thẫn thờ nhìn vào khu chuồng.

Tang thương bủa vây

Mất mát không chỉ về của cải, lũ lụt cũng cướp đi những sinh mạng vô tội. Dòng nước ấy đã hòa mồ hôi, nước mắt và cả máu của những người dân.

Những ngày này, không khí tang thương vẫn đang bao trùm lấy căn nhà của anh Hoàng Văn Đức (44 tuổi), trú tại thôn 3 Thanh Tân, xã Thanh Thủy (Lệ Thủy) vì hai đứa con thơ của anh đã không may chết đuối trong lúc lũ dâng.

Chỉ vài ngày trước, anh cùng vợ và hai con (Hoàng Văn Quân 10 tuổi và Hoàng Văn Quý 6 tuổi) còn quây quần bên mâm cơm gia đình.

Anh Hoàng Văn Đức cùng vợ đau buồn khi cơn lũ dữ cướp mất hai đứa con ngoan.

Anh Hoàng Văn Đức cùng vợ đau buồn khi cơn lũ dữ cướp mất hai đứa con ngoan.

Nhưng nước lũ đã cướp mất đi hai đứa con ngoan là tình yêu và niềm hy vọng vào tương lai của hai vợ chồng. Mất con, người vợ gục ngã nhưng anh Đức vẫn phải cố gắng để làm chỗ dựa cho vợ.

Một số người hàng xóm ái ngại cho biết, vào khoảng 11h ngày 18/10, nước lũ lên nhanh, nhà anh Đức bị gây ngập sâu, em trai của anh là Hoàng Văn Tài đã chèo đò đến để chở hai cháu đến khu vực an toàn.

Nhưng thật không may, vừa đi được một đoạn, do nước lớn, đò bị lật khiến hai cháu rơi xuống nước. Dù anh Tài đã nỗ lực nhanh chóng đưa hai cháu lên, nhưng đò lật tiếp lần hai. Anh Tài tiếp tục lao ra ứng cứu và hô hoán mọi người đến trợ giúp nhưng hai cháu đã thiệt mạng sau đó.

Ngược lên thôn Cổ Liêm, xã Tân Hóa, huyện Minh Hóa, chúng tôi thắp nén nhang cho cháu Đ.M.T (8 tuổi), đứa trẻ đã không may rơi từ nhà nổi tránh lũ đuối nước tử vong khi mẹ đang chèo thuyền đi nhận hàng cứu trợ.

Sự việc đáng tiếc xảy vào khoảng 15h30 ngày 20/10, nước lũ dâng cao, bố đi làm xa nên người mẹ cật lực chuyển số tài sản ít ỏi của gia đình và đưa con lên nhà nổi tránh lũ.

Nhiều đoàn đến thắp hương cho cháu T. và chia buồn cùng gia đình.

Nhiều đoàn đến thắp hương cho cháu T. và chia buồn cùng gia đình.

Biết có đoàn cứu trợ nhưng chưa tiếp cận được nhà mình, người mẹ chèo thuyền đi nhận. Thật không may, một chút sơ sẩy, cháu T. đã rơi xuống nước lũ. Bà ngoại cháu phát hiện ra lập tức hô hoán người dân xung quanh đến ứng cứu.

Khoảng 30 phút sau, một số người dân lặn xuống nước và đưa được cháu T. lên, nhưng không kịp, dòng nước lũ đã cướp đi tính mạng của đứa trẻ thơ ngây. Sự xót thương thật khó diễn tả bằng lời.

Cùng chúng tôi, khi nước rút, nhiều đoàn cũng đã đến thắp hương, chia buồn, hỗ trợ gia đình cháu bé vượt qua thương đau. Khói hương bay đầy giữa khung cảnh tan hoang làm cho lòng người thêm não nề.

Hùng Trần

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/quang-binh-tan-tac-tang-thuong-sau-bao-lu-20201024165813368.htm