Quảng Bình: Xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Gianh khu vực giáp ranh
Thời gian qua, vấn đề khai thác, vận chuyển cát, sạn trái phép trên sông Gianh thuộc các huyện Tuyên Hóa và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình diễn ra khá phức tạp. Đây là vấn đề được cử tri địa phương và dư luận rất quan tâm.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 17, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình khóa XVIII diễn ra sáng 11/7, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết, trên địa bàn huyện có 12 tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường tại 8 điểm mỏ. Công suất được phép khai thác là 100.600m3/năm.
Đến tháng 7/2024, có 11 tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác và theo báo cáo thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản năm 2023, các đơn vị khai thác đúng theo công suất được phép khai thác. Tuy nhiên, tình trạng khai thác vật liệu xây dựng trên sông vẫn diễn ra phức tạp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Công an huyện, đoàn liên ngành huyện Tuyên Hóa phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, phát hiện 14 trường hợp vận chuyển cát trái phép, không rõ nguồn gốc và lập hồ sơ xử lý theo thẩm quyền.
Bên cạnh thiếu nhân lực và phương tiện để tuần tra, kiểm tra, theo đồng chí Lê Nam Giang, nguyên nhân chưa giải quyết dứt điểm được tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn còn do một số điểm tập kết cát trái phép ở vùng giáp ranh là xã Cảnh Hóa, Phù Hóa thuộc huyện Quảng Trạch chưa được xử lý dứt điểm.
Các tàu khai thác cát trái phép chủ yếu là của các hộ dân 2 xã này tiến hành vào ban đêm và khai thác trái phép thuộc khu vực giáp ranh giữa huyện Tuyên Hóa với huyện Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn nên rất khó kiểm tra, xử lý.
Liên quan đến vấn đề này, Ủy ban nhân dân huyện Quảng Trạch cũng giải trình, trên địa bàn huyện không có mỏ cát được cấp phép hoạt động dọc sông Gianh mà chỉ có 3 bãi tập kết cát, sỏi lòng sông được cấp phép.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên, khoáng sản được chú trọng.
Công an huyện thành lập tổ thường trực chốt ở 2 xã Cảnh Hóa và Phù Hóa để thường xuyên tuần tra, xử lý các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép. Đến nay, huyện đã xử lý vi phạm hành chính 14 vụ/15 đối tượng có hành vi khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép, với tổng số tiền xử phạt hơn 400 triệu đồng, trong đó khởi tố 1 vụ với 1 đối tượng.
Hiện nay, việc khai thác, vận chuyển cát, sỏi lòng sông đã giảm nhưng vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Các đối tượng vi phạm lợi dụng ban đêm, sử dụng các phương tiện nhỏ, cơ động để hút trộm cát ở các khu vực giáp ranh với huyện Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn. Bên cạnh đó, đối tượng vi phạm luôn bố trí người theo dõi hoạt động của chốt, tổ tuần tra của huyện, xã nên việc phát hiện vi phạm còn gặp khó khăn.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu cho rằng, dù tình trạng khai thác, tập kết và vận chuyển cát, sạn trái phép trên sông Gianh dù đã giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do công tác quản lý chưa thật chặt chẽ, hiệu quả.
“Việc khai thác trái phép vào ban đêm thì đã rõ nhưng các đối tượng vận chuyển cát đi tiêu thụ ở đâu các lực lượng có biết không, phải chăng là ra khu vực Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh nơi cần khối lượng cát rất lớn”, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình nói.
Do vậy, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã cần thường xuyên phối hợp kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm ở các khu vực giáp ranh trên sông Gianh; lắp đặt camera tại các bãi tập kết cát và tại các mỏ cát đã cấp phép để giám sát việc khai thác và vận chuyển cát.
Công an tỉnh tăng cường lực lượng, trang thiết bị cho các lực lượng các huyện, xã tại các địa bàn trọng điểm về khai thác cát, sỏi trái phép để thực hiện nhiệm vụ được tốt hơn.
Xem xét, đề nghị xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để xảy ra tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông trái phép mà không kịp thời phát hiện, xử lý.