Quảng cáo của Coca-cola: Chuyên gia ngôn ngữ khẳng định không tục
Hôm qua, 28-6, Cổng thông tin điện tử của Bộ VHTTDL đưa tin, Cục Văn hóa cơ sở ra văn bản, yêu cầu Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố chấn chỉnh hoạt động quảng cáo của Coca-cola. Dòng chữ 'Mở lon Việt Nam' được cho là có dấu hiệu quảng cáo thiếu thẩm mỹ và vi phạm thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, các nhà ngôn ngữ học lại khẳng định từ 'Lon' trong tiếng Việt vốn trong sáng và 'không có gì là tục tĩu cả'.
Trao đổi cùng phóng viên Báo ANTĐ, PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam khẳng định: Xưa nay, không có ai nghĩ từ này là tục cả, có thể từ này có nguồn gốc từ nước ngoài, dân gian dùng bình thường. Vì thế, đừng vội vàng kết luận là tục hay vi phạm thuần phong gì cả.
PGS.TS Phạm Văn Tình cũng cho biết thêm, trong tiếng Việt, từ "Lon" mang nhiều nghĩa. Thứ nhất, là từ để chỉ thú rừng, cùng họ với cầy móc cua, nhưng nhỏ hơn (con Lon). Nó còn là từ để chỉ vỏ hộp sữa, rượu hoặc nước uống hình trụ bằng kim loại (lon sữa bò, lon bia, lon nước ngọt).
Đặc biệt, nó cũng là từ chỉ cối nhỏ bằng sành (lon giã cua bằng sành, vại nhỏ, chậu nhỏ bằng sành). Cũng với cách gọi thông dụng, từ "Lon" còn có nghĩa phù hiệu, quân hàm- của quân đội một số nước (ví dụ: đeo lon đại úy, gắn lon).
Nhà văn Đỗ Phấn cũng khẳng định, việc dùng từ "Lon" trong tiếng Việt là hết sức bình thường, nó không hề tục hay vi phạm thuần phong mỹ tục, vì thế, người làm văn hóa đừng tưởng tượng theo hướng tiêu cực để rồi đưa ra kết luận gây "ngạc nhiên".
Từ "Lon" được sử dụng nhiều từ Quảng Bình trở vào, phía Bắc thì hay dùng là "ống bơ". Đặc biệt, trước đây còn có lon sành, dùng để giã cua. Người bán hàng đưa ra lời quảng cáo, đương nhiên họ phải sử dụng ngôn ngữ thông dụng nhất. Thế cho nên, đừng vội kết luận khi chưa đọc kỹ từ điển tiếng Việt.