Quảng cáo khi chưa có giấy phép, sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề... hàng loạt cơ sở thẩm mỹ ở Đà Nẵng bị xử phạt

Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Y tế đã phát hiện 22 cơ sở thẩm mỹ vi phạm, ra quyết định xử phạt số tiền hơn 480 triệu đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn TP. Đà Nẵng xảy ra tình trạng các cơ sở thẩm mỹ hoạt động "chui", tự ý thực hiện phẫu thuật làm đẹp khi chưa đáp ứng được yêu cầu, quy định nghiêm ngặt của ngành y tế.

Thậm chí, tại một số cơ sở thẩm mỹ còn sử dụng nhân viên lao công, người không có chứng chỉ hành nghề để đứng ra làm phẫu thuật cho khách hàng. Nhiều loại thuốc, vật tư y tế sử dụng trong thẩm mỹ không có nguồn gốc rõ ràng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây biến chứng cho người dùng.

Nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ được phát hiện tại các cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: TT

Nhiều loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ được phát hiện tại các cơ sở thẩm mỹ. Ảnh: TT

Để chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở thẩm mỹ này, Sở Y tế TP. Đà Nẵng cho biết, đã có các văn bản đề nghị các địa phương (UBND các quận/huyện), cơ quan liên quan tăng cường quản lý, kiểm tra, hậu kiểm sau cấp phép giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đối với các cơ sở kinh doanh thuộc loại hình dịch vụ thẩm mỹ như: thêu, phun, xăm trên da, chăm sóc da, spa…

Đồng thời, lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kịp thời phát hiện và xử lý các cơ sở vi phạm, không để xảy ra tình trạng cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không đủ điều kiện hoạt động hoạt động trên địa bàn.

Trao đổi với Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Nguyễn Tuấn Việt - Phó Chánh Thanh tra Sở Y tế Đà Nẵng cho hay, từ đầu tháng 3, Sở đã thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành và tiến hành kiểm tra 40 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó, tập trung chủ yếu ở trên địa bàn hai quận trung tâm là Hải Châu và Thanh Khê. Qua đó, phát hiện 22 cơ sở vi phạm hành chính, xử phạt số tiền hơn 480 triệu đồng.

Theo ông Việt, các cơ sở thẩm mỹ tồn tại một số vi phạm như: chưa thực hiện thủ tục tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ; quảng cáo hoặc cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động hay chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người; không thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ sở sản xuất, kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; mua, bán thuốc không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược…

"Sắp tới, Thanh tra Sở sẽ công bố kết quả xử lý vi phạm đối với các cơ sở thẩm mỹ này trên website chính thức của Sở cũng như các phương tiện truyền thông", ông Việt nói.

Theo số liệu thống kê của Sở Y tế TP. Đà Nẵng, tính đến hết tháng 7/2023, Sở chỉ mới tiếp nhận 145 hồ sơ cơ sở tự công bố đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, trong đó có 82 cơ sở đủ điều kiện để đăng tải trên Trang thông tin điện tử của Sở. Tuy vậy, theo báo cáo thực tế, trên địa bàn TP hiện có khoảng 500 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đang hoạt động.

Tấn Tài

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/quang-cao-khi-chua-co-giay-phep-su-dung-nguoi-khong-co-chung-chi-hanh-nghe-hang-loat-co-so-tham-my-o-da-nang-bi-xu-phat-169230817102741264.htm